web analytics

Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua mạng và điện thoại  14/12/2021

(KDTT) – Thời gian gần đây, tình trạng các đối tượng mạo danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, người quen lãnh đạo cấp cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi khác nhau đang gia tăng trở lại. Đặc biệt, nhắm vào những người dùng các dịch vụ tài chính, bảo hiểm tại Việt Nam.

Trong thời điểm dịch Covid-19, nhiều người nhận được không ít tin nhắn, thư điện tử, đường link từ những cá nhân, tổ chức lạ. Với thủ đoạn rất tinh vi, các đối tượng lừa đảo làm giao diện giống hệt với ngân hàng thật. Chỉ cần một thao tác mở đường link, mã độc có thể ngay lập tức thâm nhập vào điện thoại hay máy tính, đánh cắp các thông tin dữ liệu. Không ít người đã bị mắc bẫy vì thủ đoạn này.

Lợi dụng tâm lý muốn kiếm tiền của nhiều người trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, nhiều trang web, ứng dụng lừa đảo đã xuất hiện với nội dung mời chào như: “chỉ cần ngồi nhà, thao tác đơn giản, có thể kiếm tiền dễ dàng”. Nhiều người đã mắc bẫy khi đầu tư vào tiền điện tử.

Thủ đoạn gọi điện thoại mạo danh các cơ quan Tư pháp đã xảy ra từ lâu và đã được thông tin tuyên truyền rộng rãi nhưng vì nhiều lý do đến nay vẫn có thêm nạn nhân sập bẫy của các đối tượng. Bị các đối tượng liên tục đe dọa sẽ khởi tố, bắt giam khiến người phụ nữ này hoảng sợ và làm theo mọi hướng dẫn qua điện thoại của các đối tượng lừa đảo.

Sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật, gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang…Đây là một trong các phương thức điển hình được các đối tượng sử dụng để lừa đảo qua điện thoại thời gian vừa qua.

Cư dân mạng cho rằng, thủ đoạn này đã được các cơ quan chức năng phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, người dân nên nâng cao cảnh giác. Tất cả các cơ quan Bảo vệ pháp luật hiện nay không làm việc qua điện thoại… Những vấn đề có liên quan đến công tác điều tra đều được gửi giấy mời đến người dân theo đúng trình tự và quy định của pháp luật…

Xung quanh vấn đề, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng đã chỉ ra 4 phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua MXH và điện thoại hiện nay các đối tượng thường sử dụng. Thông tin này, đang được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi, với mong muốn, người dùng MXH, cũng như người dân…nâng cao hơn một mức về tinh thần cảnh giác, tránh sập bẫy các đối tượng. Đặc biệt trong thời điểm cuối năm như hiện nay, tội phạm lừa đảo thường có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh thủ đoạn mạo danh cán bộ của cơ quan thực thi pháp luật, hiện nay các đối tượng cũng giả danh là người quen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu. Chúng sẽ cung cấp ảnh chụp, video của bản thân với các lãnh đạo (nhiều sản phẩm đã được cắt ghép, chỉnh sửa bằng công nghệ cao) để tạo niềm tin. Sau đó, hứa hẹn có thể chạy án, xin việc, xin dự án…, nhận tiền của nạn nhân nhưng không thực hiện, lấy nhiều lý do để không trả lại tiền, thậm chí bỏ trốn.

– Thủ đoạn giả danh ngân hàng. Các đối tượng gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email, qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí. Sau đó, hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục vay hoặc mở thẻ tín dụng qua trang web giả mạo ngân hàng rồi chiếm đoạt.

– Thủ đoạn giả danh cơ quan, tổ chức thông báo “trúng thưởng may mắn”. Để nhận được phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc mua chuyển trước cho đối tượng một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt…

Theo Bộ Công an, trong năm nay, có gần 100 triệu hồ sơ dữ liệu bị khai thác, lộ lọt. Ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất là dịch vụ viễn thông với 23 triệu hồ sơ bị rò rỉ. Đặc biệt, hơn 100 nghìn tài khoản và mật khẩu trong hệ thống nội bộ trọng yếu của các tổ chức, doanh nghiệp bị đưa lên không gian mạng.

Số lượng tên miền lừa đảo trong năm 2021 đã tăng hơn nhiều so với các năm trước, trung bình khoảng 600 – 700 tên miền lừa đảo hàng quý, nghĩa là cứ mỗi 1 ngày trung bình có 5 – 10 website lừa đảo nhắm vào người dùng Internet Việt Nam được xây dựng.

Chia sẻ những thông tin này, cư dân mạng cũng cho rằng, việc tự mình nâng cao cảnh giác là yếu tố quan trọng nhất, để không bị sập bẫy lừa đảo. Không nên cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

TÚ MINH

Bạn đang đọc bài Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua mạng và điện thoại 
tại chuyên mục Văn hóa – Giải trí.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT