web analytics

Cân xứng động lực “nội” – “ngoại” để tạo đà tăng trưởng tích cực 09/09/2019

(KDTT) – Để động lực “ngoại” lấn át động lực “nội” sẽ khiến nền kinh tế gia tăng sự phụ thuộc vào nước ngoài và dễ bị tổn thương khi có các tác động “bất ngờ”.

Mặc dù trong 31 năm liên tục (1998-2018) xu hướng tăng trưởng giảm nhẹ nhưng kinh tế Việt Nam đang trên đà chuyển hướng tích cực. Động lực “nội” cần được phát huy tương xứng với động lực “ngoại” thúc đẩy đáng kể sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực này.

Tăng trưởng kinh tế 31 năm tạo đà chuyển hướng tích cực

Xét trong dài hạn với khoảng thời gian 31 năm (1998-2018), tăng trường kinh tế Việt Nam trung bình đạt 6,74%/năm. Tuy nhiên, với hệ số tương quan âm (-0.0282) cho thấy xu hướng giảm nhẹ tăng trưởng nghĩa là mỗi năm tăng trưởng GDP giảm trung bình 0,0282%.

Tăng trưởng GDP Việt Nam giảm nhẹ trong 31 năm (1988-2018). (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Đây là biểu hiện của khả năng huy động nguồn lực theo chiều rộng với hiệu quả chưa cao nếu chưa nói là mô hình tăng trưởng rộng đang đến tiệm cận dần đến điểm giới hạn. Trong giai đoạn này hệ số hiệu quả vốn đầu tư ICOR còn khá cao khoảng 6 (Tổng cục Thống kê, 2019). Xu hướng giảm nhẹ tăng trưởng GDP trong giai đoạn dài là dấu hiệu cho thấy tiềm năng tăng trưởng tích cực trong giai đoạn tiếp theo nếu có giải pháp đảo chiều hữu hiệu thông qua phát huy tác động yếu tố tích cực và giảm thiêu yếu tố tiêu cực.

Động lực “nội” bất cân xứng động lực “ngoại”

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam xét riêng năm 2018 chủ yếu được tạo ra từ động lực ngoại là FDI và xuất- nhập khẩu. Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu, nhất là cam kết xỏa bỏ rào cản xuất nhập khẩu của các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

Động lực “ngoại” tạo lợi ích cao hơn cho những tác nhân tận dụng triệt để nó mà trực tiếp là khối nhà đầu tư “ngoại” với những lợi thế về vốn, công nghệ, thương hiệu và mạng lưới toàn cầu. Khối nhà đầu tư “ngoại” còn có khả năng tận dụng động lực “nội” một cách khôn khéo và hiệu quả. Điều này dẫn đến mức độ thu lợi bất cân xứng không nhỏ giữa nhà đầu tư “nội” với nhà đầu tư “ngoại” với phần ưu thế thuộc về nhà đầu tư ngoại.

Còn động lực “nội” gồm tiêu dùng nội địa và chi tiêu chính phủ được khai thác chưa thỏa đáng nếu chưa nói là giảm sút đến mức triệt tiêu một phần của động lực “ngoại”.

Chính sách khuyến khích tổng cầu đặc biệt cầu tiêu dùng sản xuất doanh nghiệp và tiêu dùng dân cư, và chính sách tăng chi tiêu chính phủ nhất là chi tiêu đầu tư công chưa đạt như mong đợi. Tính bất cân xứng giữa động lực ngoại mạnh với động lực nội khá yếu bộc lộ rõ ràng.

Nói cách khác, động lực “ngoại” đang lấn át không nhỏ đến động lực “nội”, khiến kinh tế nước ta gia tăng sự phụ thuộc vào nước ngoài. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng nền kinh tế dễ bị tổn thương hay bị “sốc” khi có các tác động “mạnh và bất ngờ” từ bên ngoài.

Phát huy động lực “nội” tương xứng với động lực “ngoại”

Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo để đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2035 (Báo cáo Việt Nam 2035) cần có giải pháp chuyển từ xu hướng giảm tăng trưởng sang xu hướng gia tăng tăng trưởng nghĩa là chuyển từ hệ số tương quan âm sang hệ số tương quan dương. Đây là một công việc mang tính lâu dài và rất cần thiết.

Kịch bản mô phỏng tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 1988-2025. (Nguồn: Tổng cục Thống kê và giả định của tác giả).

Dựa vào kỹ thuật mô phỏng, giả định tăng trưởng GDP năm 2019 là 7% thì năm 2020 phải đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 7,08% và trung bình trong cả giai đoạn 2021-2025 GDP tăng trung bình phải đạt ít nhất 7,5% năm. Có như vậy hệ số tương quan tăng trưởng sẽ đảo chiều từ âm (-0.0282) sang dương (+0,0001).

Đây là hệ số tương quan dương thấp nhất để xu hướng tăng trưởng đạt hệ số dương trong cả giai đoạn 37 năm (1988-2025), tạo đà tăng trưởng chuyển hướng tích cực, kịp thời. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm cả giai đoạn 1988-2025 sẽ đạt ít nhất 6,853% cao hơn giai đoạn 1988-2018.

Nếu tốc độ tăng trưởng trong 7 năm tiếp theo không đạt như kịch bản mô phỏng thì khoảng thời gian chuyển từ xu hướng giảm tăng trưởng sang xu hướng tăng tăng trưởng buộc phải kéo dài hơn 7 năm tính từ năm 2019 nghĩa là phải đến năm 2026 hoặc 2027 hoặc xa hơn. Điều này sẽ làm cho mục tiêu đặt ra đến năm 2035 khó thực hiện được, làm giảm tính khả thi của mục tiêu đặt ra.

Để chuyển từ trạng thái tăng trưởng xu hướng giảm sang tăng lên, cho dù ở mức độ khiêm tốn nhất cũng như để phân bổ hợp lý hơn các khoản lợi ích nhờ tận dụng động lực này thỏa đáng, như đã chỉ ra trên đây, động lực tăng trưởng cần khai thác hiệu quả cả “ngoại “ và “nội”.

Bên cạnh động lực tăng trưởng “ngoại” phải triệt để phát huy nhất là tác động các hiệp định thương mại thế hệ mới đã và sẽ có hiệu lực như CPTPP, EVFTA, IPA và sắp tới là RCEP.

Theo đó, cần coi trọng thỏa đáng động lực tăng trưởng “nội” như tăng chi tiêu doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức, dân cư bằng chính sách khuyến khích chi tiêu hiệu quả hơn, tăng mạnh tín dụng tiêu dùng, giảm thuế thu nhập cá nhân, quyết liệt thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để kích cầu đầu tư trong nước với mục tiêu thành lập mới 1 triệu doanh nghiệp tư nhân đến năm 2020 và 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2025. Đối với khu vực công, cần tiếp tục tăng chi tiêu, thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trong phạm vi ngưỡng an toàn.

Đồng thời, cần khai thác tác động truyền dẫn và lan tỏa của động lực “ngoại” đến động lực “nội” để chúng không xung đột, thay thế hay bài trữ lẫn nhau mà trở thành các động lực bổ sung cho nhau thông qua kết nối doanh nghiệp trong nước với dự án nước ngoài theo chuỗi giá trị, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước mọi loại hình và quy mô chủ động, tích cực gia tăng giao dịch đa dạng với thị trường thế giới.

Một khía cạnh quan trọng nữa là cần tăng mức độ liên kết và thống nhất cao nhất từ nội bộ nền kinh tế thông qua giảm thiểu các rào cản phát triển do môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, công bằng và chi phí giao dịch cao.

Các mối liên kết giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần trong nước, mức độ hợp tác công- tư cũng cần được cải thiện đáng kể và bảo đảm điều kiện để cải thiện đáng kể khả năng tác nhân “nội” tận dụng động lực “ngoại” một cách thông minh.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân)

                                                                                                                                                                  Nguồn: Vov.vn