web analytics

Cần làm gì để kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn? 03/05/2019

(KDTT) – Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt nam  2019 đã kết thúc sau một chuỗi các sự kiện và hoạt động sôi nổi tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ngày 02/05/2019.

Diễn đàn lần này thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội, doanh nhân, chuyên gia,  các Bộ, ban ngành… và đặc biệt là hơn 4.000 lượt người tham dự. Sự kiện này cũng ghi nhận sự tham gia của 8 Ủy viên Bộ Chính trị, 3 đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 45 Ủy viên Trung ương Đảng và hơn 60 lãnh đạo các Bộ, ban ngành trung ương, địa phương, trong đó 9 Bộ trưởng trực tiếp tham gia đối thoại. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam có một mô hình Diễn đàn – nơi giới doanh nghiệp tư nhân đồng thời đưa ra quan điểm, đề xuất và hiến kế ở 6 lĩnh vực kinh tế then chốt, sau đó cùng đối thoại với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ ban ngành để cùng tìm giải pháp thúc đẩy khối tư nhân cũng như nền kinh tế.

Trong bài phát biểu khai mạc tại phiên toàn thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Với sự có mặt đông đảo lãnh đạo, cơ quan trung ương địa phương, khách quốc tế, nhà khoa học hôm nay, hơn 2.500 doanh nhân sẽ đề xuất những vướng mắc để tháo gỡ những rào cản, thách thức trong phát triển kinh tế tư nhân.

Trong những năm gần đây, mức độ đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của kinh tế tư nhân luôn chiếm tỷ trọng lớn và tăng liên tục. Tính đến nay, cả nước có khoảng  700.000 DN tư nhân đang hoạt động và mỗi năm có thêm hàng vạn DN được thành lập mới; thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm,  kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP vào nền kinh tế quốc dân,  góp phần quan trọng vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân…

Chia sẻ về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân, những quyết sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân góp phần phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tiềm năng thế mạnh lẫn điều kiện của kinh tế tư nhân còn nhiều ràng buộc. “Vì vậy, chúng ta cần tạo điều kiện không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn”.

Thủ tướng dùng 10 từ cho nền kinh tế này, đó là: Sự bình đẳng, được Bảo vệ, Khích lệ và Trao cơ hội cho kinh tế tư nhân.

Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn

Sau phần đối thoại và trả lời chất vấn của Thủ tướng chính phủ, ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã tham gia diễn đàn với tư cách là người đứng đầu của đơn vị soạn thảo Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh số 10 cho Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân thể hiện sự mong muốn và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước trong việc quyết tâm đưa lĩnh vực này giành những thắng lơi đột phá giống như đã thành công với Nghị quyết 10 trong nông nghiệp (khoán 10).

Khẳng định phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là yêu cầu trong tiến trình xây dựng kinh tế, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh rằng: “Có nhận thức đầy đủ thấu đáo các quan điểm của Đảng thì mới đủ bản lĩnh quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản, mọi mặc cảm để phát triển kinh tế tư nhân”.

Ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những vấn đề then chốt để hoàn thiện thể chế các chính sách kinh tế liên quan đến kinh tế tư nhân.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, kinh tế tư nhân hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, một trong số đó là những rào cản của cơ chế, chính sách. Mục tiêu đặt ra đến 2020 phải có 1.000.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động nhưng hiện tại mới đạt con số 715.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đây rõ ràng là một một thách thức không nhỏ. Do đó, bài toán đặt ra hiện nay là cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là những luật liên quan đến thể chế, luật công chức viên chức, chế độ kinh tế, chính sách kinh tế, như luật đầu tư, luật sở hữu trí tuệ, luật đất đai…

Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho khối kinh tế tư nhân tiếp cận được với nguồn lực về đất đai, tài chính, yếu tố sản xuất… đồng thời cần cố gắng để giảm những chi phí tuân thủ pháp luật như lệ phí kinh doanh, cùng với đó là những chi phí không chính thức gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Với một loạt các hoạt động, bao gồm các chủ đề chính: Du lịch, kinh tế số, CPTPP, vốn – tài chính, nông nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, nữ doanh nhân, diễn đàn kinh tế tư nhân lần này đã thực sự trở thành cơ hội để khu vực kinh tế quan trọng này cất lên tiếng nói của mình. Diễn đàn cũng đã dành thời lượng lớn cho các cuộc đối thoại công – tư trong các phiên và đặc biệt dành không gian cho khu vực tư nhân “hiến kế, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế. Điểm nổi bật của Diễn đàn lần này là Diễn đàn dành hầu hết thời gian cho đối thoại chính sách giữa đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện khu vực nhằm tạo điều kiện cho đại diện các DN, hiệp hội ngành nghề phản ánh những khó khăn, vướng mắc và hiến kế, đề xuất các chính sách, giải pháp trong phát triển KTTN. Từ đó có thể thấy rằng cơ quan chức năng đã dành sự lưu tâm rất lớn tới khu vực kinh tế này.

Theo KDPT