web analytics

Cần đột phá và vẫn cần chữ “Tín” 19/05/2019

(KDTT) – Sự chuyển dịch của dòng thương mại – đầu tư thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến sự chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mở ra các kênh đầu tư – kinh doanh hấp dẫn. Tất cả xu hướng mạnh mẽ này đòi hỏi phải có những bước đột phá cũng như đảm bảo những triết lí kinh doanh kinh điển.

Cần tư duy đột phá

Là một doanh nhân có hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường, tôi cho rằng muốn làm được việc lớn thì không nên xem thường những việc nhỏ. Những ý tưởng kinh doanh của các công ty khởi nghiệp hiện nay là người mới bắt đầu sự nghiệp nên những suy nghĩ hiện tại có thể là khởi nguồn của những ý tưởng lớn trong tương lai. Các doanh nhân khởi nghiệp trẻ ngày nay gợi nhắc tôi về hình ảnh chính mình 20 năm về trước, cũng bắt đầu với quy mô nhỏ.

Để nhân rộng những phát kiến, mô hình kinh doanh, các startup cần có bệ phóng. Các doanh nghiệp lớn đang mong muốn tìm kiếm được những đối tác mới phù hợp để phát triển hơn nữa hệ sinh thái của mình. Vì vậy, chúng tôi muốn lắng nghe và nhận biết đâu thực sự là ý tưởng đột phá để có thể kinh doanh, đầu tư. Đối với các công ty khởi nghiệp kinh doanh, bắt đầu ở quy mô nhỏ cũng không sao cả miễn là các bạn lưu ý “nếu đam mê chở bạn đi, hãy để lý trí nắm dây cương”.

Những công ty, doanh nhân khởi nghiệp thu hút sự chú ý của nhà đầu tư cần có các yếu tố dũng cảm, kiên trì và cầu thị. Chúng tôi không giới hạn lĩnh vực kinh doanh, ở bất cứ đâu chúng tôi cũng nghiên cứu nghiêm túc và nếu có cơ hội, chắc chắn chúng tôi sẽ không bỏ qua. Các startup nên mạnh dạn, cần có tư duy đột phá, không theo lối mòn.

Cơ hội lớn của thời đại

Dự báo về những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất sau những thay đổi về chính sách của Chính phủ trong năm 2019, với mức độ hội nhập như hiện nay, việc làm ăn, đầu tư ở Việt Nam sẽ không chỉ dừng ở việc khai thác tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh mà còn có tiềm năng lớn tương tác với các nước khác nhờ độ mở của thị trường, thông qua các hiệp định thương mại đã và đang ký kết.

Ảnh: Internet

Sân chơi không chỉ rộng và còn nhiều, kèm theo đó là nhiều lĩnh vực hấp dẫn theo xu hướng mới như cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này đang tạo ra lực lượng dẫn dắt thị trường đến từ khởi nghiệp sáng tạo với những tư duy đột phá khó có thể biết được. Lĩnh vực thương mại điện tử là ví dụ. Khi Đông Nam Á ngày càng bị thống trị bởi các đại gia như Alibaba và Tencent, các hãng thương mại điện tử nhỏ hơn sẽ tìm đến cách khác để đảm bảo tài chính

Khởi nghiệp trong thời đại 4.0 ở Việt Nam càng lan nhanh và mạnh hơn khi được truyền lửa bởi Jack Ma, ông chủ đế chế Alibaba đến Việt Nam tháng 11/2017.

“Những người tận dụng được Internet trong kinh doanh của mình mới thành công. Trong 30 năm tới, trí tuệ nhân tạo và nhiều thứ sẽ còn thay đổi. Những hoạt động kinh doanh trong thời gian qua là B2C. Thế kỷ này sẽ là thế kỷ của công nghệ dữ liệu”.

Đó là câu Jack Ma ví dụ để khích lệ giới trẻ Việt Nam suy nghĩ về tương lai, cách kinh doanh mới. “Bạn hãy cố gắng sử dụng di động để buôn bán, giao tiếp với mọi người trên mạng, thay vì chỉ chơi game. Việt Nam có hơn 94 triệu người, nhưng chỉ có 4 triệu người mua bán trên mạng. Đó chính là cơ hội để bạn thực hiện”, Jack Ma chia sẻ góc nhìn đầy hấp dẫn.

Jack Ma khích lệ giới trẻ Việt Nam suy nghĩ về tương lai, cách kinh doanh mới.. Ảnh: Internet

Các doanh nghiệp công nghệ được xem là nhóm tạo ra sự đột phá nhất. Để tồn tại và phát triển trong thời kỳ mới, họ đưa ra các giải pháp phá vỡ cách vận hành của các doanh nghiệp truyền thống.

Có các mô hình tồn tại hàng chục năm nhưng bị nhóm này thay thế chỉ trong thời gian ngắn. Còn nếu nhìn vào các ngành dẫn dắt truyền thống như công nghiệp chế biến chế tạo hướng đến xuất khẩu, dịch vụ, bất động sản, dù có thể phát triển nhưng khó có được đột phá như năm 2017.

Cuối cùng, dù kinh doanh gì và đột phá, cách làm mới ra sao thì bài học chẳng bao giờ xưa cũ mà doanh nhân nào cũng phát biểu được nhưng không dễ để thực hiện bằng hành động. Đó là bài học làm ăn bắt đầu bằng chữ Tín.

Vụ bê bối về đạo đức trong kinh doanh của ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk không chỉ làm điêu đứng đế chế lụa Khaisilk hơn 30 năm gây dựng mà còn khiến người tiêu dùng phẫn nộ vì vị bội tín. Lòng tin ấy hẳn sẽ càng khó tạo dựng, gìn giữ khi những ông chủ chữ tín như những tấm lụa mỏng manh…

Theo KDPT