web analytics

Cải cách sẽ tạo dư địa tăng trưởng lớn 01/09/2020

(KDTT) – Sáng 31.8, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 6 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang về tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh: Đẩy mạnh cải cách, xây dựng Chính phủ điện tử giúp người dân dù ở đâu cũng được hưởng lợi, đồng thời tạo dư địa tăng trưởng lớn.

Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đó là “quyết tâm không để nhiệm vụ nào không được thực hiện, không nhiệm vụ nào quá hạn”. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhất là với vùng sâu, vùng xa, việc đẩy mạnh cải cách, xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người dân dù ở đâu cũng được hưởng lợi, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách sẽ tạo ra dư địa tăng trưởng lớn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khảo sát việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính tại Thái Nguyên

Qua kiểm tra cho thấy, các tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính. Theo đó, 6/6 tỉnh đã kết nối, liên thông gửi/nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia và hầu hết đã thực hiện gửi/nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính. Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Các tỉnh đều đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền, bước đầu đã triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Tất cả các tỉnh đã triển khai kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái hồ sơ.

Tuy nhiên, một số tỉnh có số lượng hồ sơ đồng bộ chưa cao như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã được các tỉnh quan tâm, xử lý kịp thời, đến nay không có phản ánh, kiến nghị quá hạn.

Về triển khai cải cách thủ tục hành chính, các tỉnh đã nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Một số địa phương có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao như Lạng Sơn (99,82%), Thái Nguyên (99,36%), Tuyên Quang (99%).

Xây dựng chính quyền phục vụ

Bên cạnh những kết quả đạt được, 6 tỉnh miền núi phía Bắc đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử.

Là thành viên Tổ công tác, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho rằng, hầu như các tỉnh chưa hoàn thành triển khai xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của địa phương theo thời hạn nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao là tháng 3.2020.

Việc triển khai tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia của cả 6 địa phương đều rất chậm, chủ yếu mới tích hợp cung cấp dưới 10 dịch vụ công và hầu hết là các dịch vụ công trực tuyến được triển khai từ trước tháng 3.2020. Thêm vào đó, còn nhiều dịch vụ công, thủ tục hành chính đã quá hạn hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo tiến độ Thủ tướng giao. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, các nền tảng xây dựng chính quyền điện tử và các kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khác đang trong giai đoạn thực hiện nâng cấp. Cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng hồ sơ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và số lượng hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích còn ít, nhiều dịch vụ công không phát sinh hồ sơ thực hiện.

Lý giải về tình trạng này, ông Ngô Hải Phan cho rằng, một phần do người dân, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, chưa có thói quen, còn tâm lý lo ngại về an toàn thông tin hoặc chưa rõ ràng về việc chứng thực cho các hồ sơ pháp lý trên mạng; trình độ và điều kiện sử dụng thiết bị công nghệ thông tin của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều hạn chế.

Thời gian qua các văn bản pháp lý về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, các hệ thống nền tảng, cơ sở dữ liệu được đẩy mạnh xây dựng và đang tiếp tục được khẩn trương hoàn thiện. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 68/NQ-CP, theo đó từ năm 2020 đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đòi hỏi các địa phương phải thực sự nỗ lực.

Mục tiêu của cải cách hành chính, của xây dựng Chính phủ điện tử là người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi. Nhìn nhận về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, chúng ta đã làm tốt việc kết nối các cơ quan Nhà nước với nhau, điều quan trọng là bây giờ phải chuyển đổi sang chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là việc phải quan tâm hàng đầu, là dư địa tăng trưởng lớn. Nếu không làm tốt việc này thì khó có thể nói là chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nhấn mạnh về việc mục tiêu phấn đấu phải đạt 30% dịch vụ công của các bộ, cơ quan, địa phương đồng bộ, kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia vào cuối năm nay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý, các dịch vụ công phải thực sự cải cách mới đưa lên Cổng, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, giấy phép con làm tăng chi phí.

LÊ HÙNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn link gốc: http://daibieunhandan.vn/cai-cach-se-tao-du-dia-tang-truong-lon-obfm3txdft-46556