web analytics

Cách mạng công nghiệp 4.0: Con đường ngắn nhất để giảm chi phí 02/07/2019

(KDTT) – Tiếp cận những thành tựu của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là con đường ngắn nhất để DN bứt phá, tận dụng các cơ hội giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tiếp cận những thành tựu của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là con đường ngắn nhất để DN bứt phá, tận dụng các cơ hội giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đưa công nghệ vào hệ thống phân phối

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ, cùng với yêu cầu không ngừng cải tiến năng suất, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, để phát triển thương mại bền vững, doanh nghiệp (DN) phải đổi mới hình thức kinh doanh, tiếp cận thị trường. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin mà nền tảng thương mại điện tử đang được xem là công cụ hữu hiệu.

PGS.TS Phan Thị Thu Hoài – Trưởng khoa Marketing – Trường Đại học Thương mại – chia sẻ: Cuộc CMCN 4.0 góp phần chuyển dịch không chỉ các ngành sản xuất, mà còn các ngành kinh doanh, dịch vụ và hoạt động thương mại nước ta theo hướng từ nền kinh tế có năng suất thấp, với ít cơ hội cải tiến công nghệ để đạt được giá trị gia tăng cao, sang nền kinh tế có năng suất cao. Việc nắm bắt kịp thời các thành quả của CMCN 4.0 có thể coi là “chìa khóa”, cơ hội để phát triển mang tính đột phát cho các ngành kinh tế và DN.

Nhìn nhận vai trò của công nghệ thông tin trong phát triển thương mại, ông Cao Hoàng Long – Chuyên gia tư vấn, Viện Năng suất Việt Nam – cho biết: Ứng dụng công nghệ thành công trong phát triển thương mại, điển hình như hệ thống quản lý kho hàng thông minh và sử dụng hơn 100.000 robot để lấy đồ theo đơn hàng. Điều này đã góp phần giúp Amazon trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu năm 2018 tăng 56%.

Tại Việt Nam, nhiều DN đã ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất và thương mại, điển hình như Công ty TNHH Hoàng Dương (thương hiệu Canifa) với chiến lược “tiên phong về công nghệ”, giúp năng suất của công ty tăng lên gấp 8 lần. Cùng đó, sử dụng roller trong kiểm tra xuất hàng, hệ thống phân phối mở rộng, hình thức kinh doanh thương mại điện tử và quảng bá sản phẩm thông qua các mạng xã hội đã được công ty tận dụng triệt để.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ

Tuy nhiên, theo ông Cao Hoàng Long, hiện năng suất của nền kinh tế Việt Nam còn thấp, tính đổi mới sáng tạo chưa cao, các DN chưa tạo ra lợi thế so sánh cần thiết. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá là có lợi thế nhất gồm: Dệt may, da giày và đồ gỗ cũng chỉ xếp hạng thứ 3/11 nước. Trong sản xuất chế biến, chế tạo, chúng ta còn nhiều vấn đề phải thay đổi bởi phương thức sản xuất vẫn chủ yếu là thủ công; quản lý sản xuất yếu từ khâu lập kế hoạch đến kiểm soát quá trình sản xuất; tỷ lệ giao hàng chậm lớn, khả năng ứng phó với thay đổi còn hạn chế; hàng tồn nhiều, thống kê dựa trên dữ liệu thủ công… Tất cả điều đó làm cho năng suất DN thấp, chất lượng sản phẩm, dịch vụ không cao.

Để phát triển thương mại bền vững, cơ sở nền tảng đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải bảo đảm và được kiểm soát khi cung cấp đến tay người tiêu dùng. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Thị Ngọc – Trưởng Bộ môn Quản lý chất lượng – Trường Đại học Thương mại – cho rằng, các DN nếu tích hợp công cụ cải tiến TPM với hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001, công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm sẽ được bảo đảm. Bởi, nếu áp dụng TPM, chất lượng sản phẩm không những được bảo đảm và được kiểm soát ở tất cả các cấp độ, mà DN còn giảm được lãng phí trong quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, DN cũng cần áp dụng sáng tạo mở vào quá trình phát triển sản phẩm mới. Bởi, sự phát triển nhanh chóng của các loại thiết bị công nghệ số và sự gia tăng nhanh chóng lượng người sử dụng các loại thiết bị số tại Việt Nam như hiện nay là cơ sở cho DN vận dụng để kết nối, tương tác không giới hạn về không gian địa lý, thời gian với đối tác, khách hàng và cộng đồng… Áp dụng sáng tạo mở giúp quá trình “đường đi” từ ý tưởng đến sản phẩm là ngắn nhất, nhờ đó mà sản phẩm được sản xuất và đưa ra thị trường một cách kịp thời.

Nguồn KDPT