web analytics

Các trường đại học cân nhắc mọi phương án tuyển sinh 15/04/2020

(KDTT) – Nhiều trường ĐH đang cân nhắc các phương án tuyển sinh, có tính đến các phương án trong trường hợp kỳ thi THPT quốc gia năm nay không thể diễn ra.

Thi THPT quốc gia sẽ được cân nhắc phương án phù hợp, tuỳ tình hình dịch bệnh. Ảnh minh họa

Ngày 14/4, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã ra thông báo cụ thể về phương án tuyển sinh năm 2020 với hệ ĐH chính quy.

Theo đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo quyền lợi của thí sinh cũng như mục tiêu tuyển sinh, nhà trường xác định các phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy như sau:

Phương án 1: Nếu Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, trường sẽ giữ nguyên phương án tuyển sinh dự kiến như đã công bố, trong đó xét tuyển chủ yếu bằng kết quả thi THPT quốc gia.

Phương án 2: Trường hợp nếu dịch bệnh kéo dài, Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, trường sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH và sẵn sàng phối hợp với các trường khác tổ chức thi tuyển sinh ĐH chung với mục tiêu đảm đảm bảo chất lượng và không gây xáo trộn và bảo vệ quyền lợi cao nhất của thí sinh.

PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, hình thức và nội dung của kỳ thi riêng này cũng sẽ tương tự như kỳ thi THPT quốc gia, bởi nhà trường đã có kinh nghiệm tổ chức thi trong kỳ thi “3 chung” trước đây.

Về môn thi: Thi 8 môn tương ứng với 9 tổ hợp xét tuyển là A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh), D09 (Toán, Sử, Anh), D10 (Toán, Địa, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C03 (Toán, Văn, Sử), C04 (Toán, Văn, Địa).

Thí sinh tự chọn môn thi cần thiết, đảm bảo cho việc đăng ký xét tuyển của mình.

Về hình thức/định dạng/nội dung thi: Thi viết luận môn Ngữ văn. Các môn còn lại thi trắc nghiệm, định dạng và nội dung tương tự/y hệt như đề thi tham khảo thi THPT quốc gia năm 2020 đã công bố của Bộ GD&ĐT.

Về cách thức tổ chức: Trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, an ninh trong tất cả các khâu và thực hiện nghiêm túc quy chế thi hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Thời gian thi dự kiến vào tháng 8 và thi tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho hay, phương án 2 là phương án dự phòng, với mục tiêu giữ ổn định cao nhất giúp cho thí sinh yên tâm học tập, ôn tập và tự tin khi tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học thay cho kỳ thi THPT quốc gia để lấy điểm xét tuyển vào trường. Trong trường hợp tình hình dịch bệnh không cho phép tổ chức thi tập trung, trường sẽ có thông báo sau.

Ngoài Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiện sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng vào 25/7. Đặc biệt năm nay, trường sẽ quay trở lại với hình thức thi tự luận với môn Toán (đề thi sẽ có 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận).

PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, đề thi riêng của trường sẽ có độ khó cao hơn đề thi THPT quốc gia, vì mang tính chất tuyển chọn thí sinh có năng lực vào trường. “Học sinh hãy coi kỳ thi như một cơ hội để xét tuyển vào trường bằng năng lực, khả năng tự học, tự vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề, chứ không lò luyện thi nào giúp được các em”, thầy Thắng chia sẻ.

Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Đà Nẵng và nhiều trường khác cũng đang cân nhắc nhiều phương án trong trường hợp kỳ thi THPT quốc gia năm nay không thể diễn ra.

Trước đó, vào ngày 10/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, nếu đi học trở lại trước ngày 15/6, học sinh lớp 12 vẫn có thể tham gia kỳ thi THPT quốc gia, với tinh thần tổ chức giảm nhẹ nhất có thể.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung thời gian năm học 2019-2020. Theo đó, thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7; thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ ngày 8-11/8.

Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 15/6, chúng ta sẽ đủ thời gian chuẩn bị để thực hiện kỳ thi theo thời gian nói trên.

Trong trường hợp này, việc tuyển sinh ĐH vẫn được thực hiện như các năm trước đây. Thời gian bắt đầu năm học 2020-2021 được thực hiện như hằng năm, khai giảng ngày 5/9.

Tuy nhiên, phương án xấu nhất khi tình hình dịch bệnh chưa thể kiểm soát để học sinh được đi học trở lại trước ngày 15/6, Bộ GD&ĐT sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án phù hợp hơn.

Theo Báo điện tử Chính phủ