web analytics

Các tỉnh, thành dốc sức chống dịch 17/02/2021

(KDTT) – Tỉnh Hải Dương tiến hành cách ly xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 16/2; Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động các quán ăn, cà phê, trà đá vỉa hè… Hải Phòng thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cả nước đang bước vào giai đoạn phòng, chống dịch mới, trước nguy cơ cao trong bối cảnh người dân trở lại Thủ đô và các địa phương để sinh hoạt, làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, những ngày qua, Bộ Y tế và các địa phương đã rất chủ động, quyết liệt triển khai ngay các hoạt động phòng chống dịch. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khi hết Tết, các cơ quan, xí nghiệp và người dân sẽ đi làm trở lại.

Hà Nội “chạy đua với thời gian”

Bắt đầu từ 0h ngày 16/2/2021, thành phố Hà Nội tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, quán cà phê đến khi có chỉ đạo mới của UBND thành phố.

Đối với nhà hàng ăn phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà; trường hợp không đáp ứng đầy đủ việc phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu, cho dừng hoạt động theo thẩm quyền.

Các địa phương cũng thường xuyên kiểm tra việc đóng cửa các quán internet, bar, karaoke, club… theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố.

Tại buổi kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại quận Tây Hồ, khách sạn Somerset West Point (phường Quảng An, quận Tây Hồ), nơi đang được phong tỏa do phát hiện hai người Nhật Bản mắc Covid-19 là bệnh nhân số 2.229 và bệnh nhân số 2.240 (F1 của bệnh nhân 2.229), Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và đoàn kiểm tra  yêu cầu Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, quận Tây Hồ, quản lý khách sạn phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy định về việc phong tỏa, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất. Trong đó, việc quan trọng hàng đầu là phải khẩn cấp truy vết kỹ càng, xét nghiệm để xác định chính xác bệnh nhân số 2.229 lây từ nguồn nào theo tinh thần “phải chạy đua với thời gian để trả lời những câu hỏi này”.

Ngày 17/2 là kết thúc kỳ nghỉ Tết, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp; thực hiện nghiêm giải pháp phòng dịch đối với người dân trở về từ vùng dịch.

Ngoài yêu cầu bảo đảm biện pháp an toàn cho sản xuất, kinh doanh, Bí thư Hà Nội cũng chỉ đạo cần tính toán, cần thiết có thể áp dụng ngay biện pháp giãn cách xã hội ở một khu vực theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu người từ nơi khác về phải khai báo y tế

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, ngày 16/2, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức giám sát đối với người trở về thành phố.

Theo đó, các đơn vị, công sở… phải yêu cầu người lao động khai báo y tế nghiêm túc, trung thực nếu trong vòng 14 ngày qua có đi từ các tỉnh, khác trở về TP Hồ Chí Minh.

Người về từ các tỉnh, thành phố đang có ổ dịch theo thông báo của Trung tâm Kiểm Soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) , phải khai báo y tế, thông báo cho chính quyền và y tế địa phương để được hướng dẫn giám sát y tế, xét nghiệm kiểm tra.

Người về từ các tỉnh, thành phố khác, khai báo y tế trên trang tokhaiyte.vn của Bộ Y tế để phục vụ công tác giám sát khi cần thiết.

Chiều 16/2, HCDC cũng đã triển khai kế hoạch giám sát người từ vùng có Covid-19 đến thành phố, nhằm chủ động kiểm soát nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Theo đó, người đến TP Hồ Chí Minh từ nơi có ổ dịch hoặc địa phương đang giãn cách xã hội sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm Covid-19 bốn lần.

Tình hình ở Hải Dương vẫn phức tạp

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hải Dương, đến 6h ngày 17/2, tỉnh này ghi nhận 539 ca bệnh, tăng 40 ca. Dịch đã lan rộng ra 12/12 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương.

Từ ngày 9/2 trở về trước chỉ có 4 ca mắc. Tuy nhiên, trong 7 ngày gần nhất, TP Hải Dương xuất hiện 19 ca mắc, trong đó có 8 ca mắc trong cộng đồng. Đây là ổ dịch có tính chất phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hải Dương đã thiết lập 11 vùng phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Liên quan ổ dịch này, một ngày trước, ông Trần Hồ Đăng, Chủ tịch UBND TP Hải Dương, ký văn bản yêu cầu UBND, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các xã, phường thông báo cho người dân không ra khỏi nhà để phòng, chống Covid-19.

Thành phố này chỉ xác nhận để người dân ra ngoài trong trường hợp đi bệnh viện cấp cứu theo quy trình của ngành y tế.

“Tất cả trường hợp đặc biệt khác phải báo cáo xin ý kiến lãnh đạo UBND, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố và chịu trách nhiệm về xác nhận của đơn vị mình”, thông báo nêu.

Trước đó, tỉnh Hải Dương cũng đã tiến hành cách ly xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 16/2 nhằm đảm bảo phòng, chống dịch.

Một chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại Hải Phòng.

Quảng Ninh, Hải Phòng siết chặt công tác phòng, chống dịch

Sau kỳ nghỉ Tết, dự kiến lượng người lao động từ các tỉnh khác sẽ trở lại tỉnh Quảng Ninh khá lớn. Tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tự bố trí phương tiện đưa đón người lao động trở lại làm việc và tổ chức làm xét nghiệm Covid-19 cho người lao động của mình. Khi an toàn mới đưa lao động trở lại làm việc.

Ngoài ra, những người dân từ các tỉnh không nằm trong vùng dịch trở lại Quảng Ninh sau Tết sẽ phải có giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính trong giai đoạn từ 3-7 ngày trước khi vào tỉnh. Trường hợp không có giấy xét nghiệm phải thực hiện cách ly và theo dõi y tế tại nhà đủ 14 ngày.

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh có 60 ca dương tính, trong đó có 55 bệnh nhân đang điều trị tại Quảng Ninh; 2 bệnh nhân đã chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh; có 3 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn ra viện, đã xuất viện.

Tại Hải Phòng, thành phố Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả các công dân và hàng hóa từ tỉnh Hải Dương về Hải Phòng. Dừng các phương tiện chở người từ Hải Phòng đi Hải Dương; các xe chở hàng hóa và chở khách đi các địa phương khác ngoài tỉnh Hải Dương phải đi và về theo đường Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc Lộ 10. Các phương tiện vận chuyển khách chỉ được phép vận chuyển tối đa không quá 50% số ghế.

Yêu cầu các chủ doanh nghiệp trên địa bàn có cam kết về việc không sử dụng lao động của tỉnh Hải Dương. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm việc giãn cách người làm việc trong doanh nghiệp, đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa người với người là 01 mét.

Tạm dừng hoạt động của các nhà hàng dịch vụ ăn uống, cà phê, giải khát, rạp chiếu phim cho đến khi có thông báo mới của thành phố. Đối với các Trung tâm thương mại, siêu thị: chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, không kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê, giải khát và vui chơi giải trí.

Ngoài ra, các tỉnh, thành khác đều nâng cao mức phòng, chống dịch bệnh. Tỉnh Bắc Ninh tiến hành xét nghiệm trên diện rộng trong cộng đồng, trong đó ưu tiên các thành viên trong gia đình có công dân từ các địa phương có dịch bệnh, đặc biệt là tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và thành phố Hà Nội; các chuyên gia, người nước ngoài đang làm việc, sinh sống trên địa bàn tỉnh, xét nghiệm trước đối với các chuyên gia của các nước đang có dịch Covid-19 bùng phát; y, bác sỹ, người lao động trong các bệnh viện, cơ sở y tế; các cán bộ y tế, chiến sĩ Công an, Quân đội và những người đang làm việc tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thái Bình đã ban hành Công văn số 571 về việc chấn chỉnh, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sau Tết Nguyên đán.

Trong đó, đáng lưu ý, UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã, Ban Quản lý khu di tích chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch tại các khu di tích lịch sử – văn hóa. Cụ thể, không tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao; lập trạm kiểm soát để phân luồng, nhắc nhở du khách đeo khẩu trang, kiên quyết không để những người không đeo khẩu trang vào khu di tích lịch sử – văn hóa; bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay nhanh ở các nơi thuận tiện cho du khách sử dụng; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, đến sáng ngày 17/2, đã có 39/63 tỉnh, thành cho học sinh dừng đến trường để phòng, chống Covid-19. Các địa phương này cho toàn bộ học sinh các cấp dừng đến trường, nhưng yêu cầu nhà trường tổ chức dạy và học theo đúng chương trình năm học 2020-2021 với hình thức phù hợp, trong đó chủ yếu chuyển sang dạy trực tuyến.

DUY KHÁNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT