web analytics

Các nhà kinh tế kêu gọi Mỹ và Trung Quốc “lãnh đạo” thế giới 03/08/2020

(KDTT) – Sự dẫn dắt của Mỹ và Trung Quốc trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát có thể vực dậy được nền kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có các nền kinh tế mới nổi.

Ai có thể đứng vững?

Theo Giáo sư Tài chính Raghuram Rajan tại trường Sau đại học của Đại học Chicago, sự bùng phát của Covid-19, dẫn đến tình trạng đóng cửa ở nhiều quốc gia, đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu.

“Tôi nghĩ sự khác biệt quan trọng nhất là: ai đã có thể đứng vững?”, Giáo sư Raghuram Rajan nói tại một hội nghị do ngân hàng DBS có trụ sở tại Singapore tổ chức vào cuối tháng 7.  Từ dữ liệu báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 6, ông chỉ ra rằng trung bình các biện pháp tài chính và tín dụng của các nước công nghiệp phát triển để đối phó với đại dịch chiếm tới 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trong số các nền kinh tế mới nổi, con số đó đã giảm xuống còn 5% và đối với các nền kinh tế đang phát triển, hoặc các nước nghèo nhất thế giới chỉ là 1%. “Tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với sự khủng hoảng do Covid-19, nhưng khả năng chi tiền khác nhau, điều đó đang được thể hiện thông qua các gói kích cầu”, ông nói.

Rủi ro đối với các thị trường mới nổi

Giáo sư Rajan cảnh báo: “Có một rủi ro rất lớn, các thị trường mới nổi đang bị chìm”. Theo báo cáo của IMF vào tháng 6, 45 quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp đã tìm kiếm nguồn tài trợ khẩn cấp từ nguồn cho vay toàn cầu và nợ công đã vượt quá 48% GDP trung bình trong giai đoạn 2020-2021.

Theo ông Tharman Shanmugaratnam là Bộ trưởng Cao cấp ở Singapore, đã chỉ ra rằng hiện tại hầu hết sự tăng trưởng của thị trường mới nổi có giá trị tương đương với khoảng hai phần ba tăng trưởng toàn cầu.

Mỹ – Trung cần “bắt tay” để lãnh đạo kinh tế thế giới.

Tharman cũng là chủ tịch của Group of Thirty, một hội đồng kinh tế toàn cầu và các nhà lãnh đạo tài chính đặt ra giả thiết: “Khi chúng ta nghĩ về tương lai của nền kinh tế thế giới, liệu thế giới mới nổi sẽ tiếp tục nổi lên hay chìm xuống?”.

Ngày nay, những lợi ích đạt được trong hai đến ba thập kỷ vừa qua sẽ được làm sáng tỏ, và sẽ thấy những hậu quả không chỉ là kinh tế, mà là hậu quả mang tính xã hội, chính trị và bây giờ là địa chính trị, Tharman cho biết thêm.

Tất cả mọi thứ từ vấn nạn di cư đến xuất khẩu chủ nghĩa cực đoan chính trị sẽ trở thành hiện thực khi số lượng lớn người bị thất nghiệp chính thức hoặc không chính thức do suy thoái kinh tế.

Hoa Kỳ và Trung Quốc cần hợp tác

Giáo sư Raghuram Rajan nói: Thế giới cần sự lãnh đạo toàn cầu để mở rộng các nguồn lực cần thiết cho các quốc gia. Điều đó phải đến từ hai quốc gia lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cả hai đều phải có các hành động ứng phó với khủng hoảng, để giúp 40 quốc gia nghèo nhất thế giới về nguồn lực để chống lại Covid-19”.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang trong năm nay về nhiều vấn đề khác nhau, từ nguồn gốc của sự bùng phát Covid-19, đến những tranh chấp trên Biển Đông và việc thông qua luật an ninh tranh cãi ở Hồng Kông.

Giáo sư Rajan nói thêm rằng ông hy vọng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới sẽ là bước ngoặt giúp hai nước có thể đi đến một cuộc đối thoại với sự thúc đẩy của các quốc gia khác, các nền dân chủ nhỏ hơn.

Sự đứng lên lãnh đạo nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc sẽ là đòn bẩy giúp kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường mới nổi đang có cơ hội phát triển “đứng vững” trước khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo KDPT