web analytics

Cà phê Việt Nam: Năm 2020 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD 22/12/2019

(KDTT) – Xuất khẩu thành công đến 80 quốc gia và thị trường, cà phê Việt Nam đang tràn trề hy vọng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2020.

Có mặt ở 80 quốc gia và thị trường

Cà phê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm nay đều trên 3 tỷ USD. Trong những năm qua, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm gặp khó khăn dẫn đến sức mua sụt giảm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng rất đáng khích lệ, đạt 8,2%/năm với kim ngạch bình quân 3,13 tỷ USD/năm giai đoạn 2011 – 2018, chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê nhiều năm nay đều đạt trên 3 tỷ USD

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, hiện các sản phẩm cà phê của ta đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu (đứng thứ 2, sau Brazil); đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ), tạo ra nhiều cơ hội cũng như triển vọng cho ngành cà phê khi Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; tiếp theo là Đông Nam Á, chiếm 13% tổng lượng và tổng kim ngạch…

Các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới như Brazil, Indonesia, Colombia… đều chủ yếu xuất khẩu dưới dạng hạt (green bean), tức là chỉ dừng ở hoạt động sơ chế sau thu hoạch. Một số nước có hoạt động rang và xay nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng xuất khẩu cà phê. Riêng với Việt Nam, kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, hoạt động sơ chế sau thu hoạch đã được hết sức quan tâm. Nhờ vậy, từ chỗ có giá bán tại cảng Việt Nam thấp hơn tới 400 – 500 USD so với giá tham chiếu tại Sở Giao dịch Hàng hóa Luân Đôn, Việt Nam đã dần thu hẹp được khoảng cách này và cho tới nay, giá bán cà phê Robusta của Việt Nam đã phù hợp với giá thị trường thế giới.

Đặc biệt, trong thời gian qua, nhờ ưu đãi về thuế quan đối với cà phê từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết nên ngày càng nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm, chú trọng đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nói riêng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nói chung. Đến nay, cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành trong công tác nâng cao năng lực chế biến, mở rộng thị trường, tổ chức lại xuất khẩu… cùng sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong công tác quảng bá, marketing, định vị thương hiệu đã giúp các sản phẩm cà phê của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế.

Tháo bỏ rào cản, hướng đến mục tiêu 6 tỷ USD

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, mặc dù ngành hàng cà phê có bước phát triển nhanh trong một số năm gần đây cả về diện tích và sản lượng, song lợi thế trên thị trường thế giới phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu và tiềm lực tài chính mạnh.

Định hướng của Nhà nước và các Bộ, ngành hiện nay là xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với các giải pháp tổng thể.

Cụ thể, cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả, xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời khuyến khích, tăng cường liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê với mục đích ổn định xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường.

Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa, trong đó các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng thương hiệu của riêng mình. Các doanh nghiệp cần khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần – thị hiếu – chất lượng – giá cả, từ đó xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp (bao nhiêu % sản phẩm sơ chế; % sản phẩm tinh chế) để định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình. Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh; các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm; và cách thức tạo dựng cũng như quảng bá thương hiệu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng cần chú trọng tuyển dụng và đào tạo cán bộ có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn; chủ động tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương định hướng cũng như do các Bộ, ngành, Hiệp hội tổ chức; tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế ở cả trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm bạn hàng…

Sau nhiều nỗ lực đàm phán của Bộ Công Thương, các FTA song phương và đa phương có hiệu lực đã tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho ngành cà phê Việt Nam có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn do mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với hầu hết các sản phẩm cà phê đã bằng 0. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác đàm phán mở cửa thị trường cho mặt hàng cà phê thông qua các FTA đang triển khai như Việt Nam – Cuba, Việt Nam – Israel, Việt Nam – EFTA, RCEP, CPTPP… đồng thời tận dụng tiến trình rà soát các FTA đã được đưa vào thực thi để đề nghị các đối tác mở cửa thêm cho cà phê xuất khẩu của ta.

Bộ Công Thương đã thường xuyên chú trọng tới các hoạt động xúc tiến thương mại mặt hàng cà phê tại một số thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng tăng trưởng như Trung Quốc, Liên bang Nga, ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Bắc Phi, Nam Phi, Trung Đông… để nâng dần sản lượng cà phê chế biến xuất khẩu, từng bước tạo dựng nền tảng vững chắc cho các thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, hiện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đang phối hợp với Vicofa tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) cà phê chất lượng cao cho ba nhóm sản phẩm: cà phê nhân, cà phê rang và cà phê bột. Kỳ vọng của chương trình là xây dựng được một mẫu biểu trưng cà phê Việt Nam chất lượng cao được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, gắn với sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý để khẳng định về chỉ dẫn nguồn gốc của các sản phẩm cà phê Việt Nam chất lượng cao trên thị trường. Sau chương trình, cà phê được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm thứ ba sau gạo và cao su được xây dựng biểu trưng quốc gia, giúp xây dựng và bảo vệ thành công thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Lan Phương
Theo congthuong.vn