web analytics

Cả nước chung tay, sát cánh cùng TPHCM, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh 12/07/2021

(KDTT) – Chiều 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM và đi kiểm tra công tác phòng – chống dịch tại TP.HCM.

Kết luận sau buổi làm việc với TP.HCM chiều ngày 11/7 về công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước luôn sát cánh bên cạnh Thành phố với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, vì sức khỏe của nhân dân, vì sự phát triển của Thành phố.

Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Đây là buổi làm việc có ý nghĩa hết sức quan trọng sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên toàn Thành phố. Trước đó, trong chiều tối ngày 10/7 và sáng 11/7, Thủ tướng đã đi kiểm tra, động viên, đôn đốc công tác phòng chống dịch, duy trì sản xuất kinh doanh tại Long An, Tây Ninh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước khi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra khu bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 tại khu tái định cư Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Đây là khu vực gồm bệnh viện dã chiến số 3 đã đi vào hoạt động từ ngày 7/7 và bệnh viện dã chiến 6,7,8,9 vừa được triển khai trong sáng nay với quy mô 18.000 giường.

Thủ tướng đã lần lượt đi kiểm tra khu vực sinh hoạt của nhân viên y tế, phòng điều trị, phòng cấp cứu đệm và khu vực đang chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến số 6 có quy mô 6.000 giường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc TP.HCM trưng dụng chung cư tái định cư chưa đi vào hoạt động để làm bệnh viện điều trị COVID-19 là rất tốt. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý vấn đề tổ chức điều trị làm sao để nhân viên y tế, lực lượng chống dịch không bị lây nhiễm ra ngoài.

Thủ tướng cùng đoàn công tác cũng đã đến kiểm tra phường Tân Phú, TP Thủ Đức. Khu vực này được UBND TP Thủ Đức phong toả từ 0h ngày 6/7 cho đến khi có thông báo mới. Khu vực bị phong tỏa gồm 6 khu phố, 47 tổ dân phố với diện tích 351 ha, có hơn 12.000 hộ dân với hơn 34.000 nhân khẩu.

Thủ tướng đề nghị chính quyền thành phố và địa phương phải đảm bảo việc ăn, ở và các nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời nên có trung tâm cứu trợ và tận dụng công nghệ để liên lạc trực tuyến, nắm bắt và đáp ứng nhu cầu cho người bên trong khu phong toả. Đây là nơi có nhiều công nhân làm việc tại các công ty, nhà máy xí nghiệp sinh sống. Thủ tướng đề nghị thành phố nên áp dụng mô hình 3 tại chỗ đối với khu vực này để vừa đảm bảo được sản xuất, vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục đồng hành để TP.HCM thành công trong đợt chống dịch cam go nhất từ trước tới nay

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tình hình dịch bệnh tại Thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ 6h ngày 10/7 tới 6h ngày 11/7, Thành phố ghi nhận 1.403 ca nhiễm, phần lớn tại các khu cách ly, phong tỏa. Hiện đang điều trị 11.308 ca dương tính mới.

Từ ngày 25/6 đến ngày 10/7, Thành phố đã làm hơn 766.000 xét nghiệm kháng nguyên nhanh, lấy mẫu hơn 1,8 triệu mẫu xét nghiệm, đã có kết quả hơn 1,59 triệu mẫu, hơn 218.000 mẫu đang chờ kết quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi cả nước, sát cánh, chung tay cùng TPHCM dập dịch, toàn dân quyết chiến thắng dịch Covid-19. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TP.HCM đã lập Sở chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 do Chủ tịch UBND Thành phố là Chỉ huy trưởng; lập Trung tâm điều phối xét nghiệm do một Phó Chủ tịch UBND Thành phố là Trưởng Trung tâm; lập Trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu về dịch bệnh.

Thành phố bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu với người dân, công bố 2.833 điểm được bán hàng phân bố rộng khắp; thí điểm thành công mô hình đưa hàng hóa thiết yếu đến tận tay người có hoàn cảnh khó khăn… Đã giải ngân hơn 80 tỷ đồng hỗ trợ người dân, đạt tỷ lệ 24%, đồng thời huy động nhiều nguồn lực xã hội để chăm lo các đối tượng khó khăn.

Thành phố xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm thời gian tới về tổ chức xét nghiệm; điều trị; tiêm vaccine phòng COVID-19; bảo đảm vừa cách ly, vừa sản xuất; hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Thành phố đã xây dựng và thành lập 8 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị với gần 30.000 giường; chuẩn bị phương án 50.000 giường. Gần 1 triệu người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Chiến dịch tiêm chủng sắp tới với hơn 1,1 triệu liều dự kiến được thực hiện trong 2 đến 3 tuần tới.

Thành phố sẽ tiếp tục tăng số lượng các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa cách ly; tăng cường kiểm tra giám sát, nếu cơ sở sản xuất không an toàn thì dừng hoạt động ngay. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chăm lo cho người gặp khó khăn, người nghèo, người yếu thế theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.

Các Bộ trưởng, thành viên đoàn công tác của Thủ tướng đều nhận định Thành phố đang đi đúng hướng, cần tiếp tục giữ vững, không thay đổi hướng đi dù những ngày tới có thể tiếp tục phát hiện thêm nhiều các ca nhiễm. Đồng thời, có các điều chỉnh cần thiết cho phù hợp hơn với tình hình.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Thành phố tận dụng thời gian vàng trong 15 ngày giãn cách xã hội để tăng tốc các biện pháp chống dịch, từ xét nghiệm, cách ly cho tới điều trị. Nhiều Bí thư tỉnh ủy đã gọi điện cho lãnh đạo Bộ Y tế và sẵn sàng chung tay với Thành phố. Bộ Y tế sẽ tiếp tục đồng hành để Thành phố thành công trong đợt chống dịch cam go nhất từ trước tới nay.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị TP Hồ Chí Minh chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, kể cả trong tình huống đạt được mục tiêu kéo giảm các ca nhiễm mới.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm tới Thành phố nói chung và tình hình thực hiện Chỉ thị 16 nói riêng.

Đến giờ này, tình hình thực tế tiếp tục khẳng định, đây là quyết định khó khăn nhưng đúng đắn, cần thiết, được thực hiện từng bước có hiệu quả, nhận được sự đồng tình của Trung ương, sự ủng hộ của nhân dân, của doanh nghiệp, sự tham gia, hưởng ứng, góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia.

Thủ tướng khẳng định, tình hình càng khó khăn càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng và đóng góp của TP Hồ Chí Minh với cả nước. Trong 3 tháng 5 ngày kể từ Chính phủ được kiện toàn, Chính phủ, Thủ tướng đã có 3 cuộc làm việc trực tiếp và 2 cuộc làm việc trực tuyến với Thành phố.

“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội chuyển lời qua tôi để động vên, hỏi thăm, chia sẻ và đánh giá rất cao nỗ lực, cố gắng của Thành phố vượt qua khó khăn, thử thách thời gian qua, nhất là cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là sự vào cuộc của nhân dân, của doanh nghiệp; đánh giá rất cao TP.HCM trong thực hiện 2 nhiệm vụ vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu cần phát huy cái làm được, mổ xẻ nguyên nhân những việc hạn chế để khắc phục khi triển khai thực hiện. Ưu tiên phòng chống dịch, chăm lo đời sống nhân dân là trên hết, không để người dân nào thiếu ăn thiếu mặc, hạn chế tối đa các ca tử vong.

Thực hiện tiếp cận vắc xin bình đẳng với tất cả người dân và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, mất việc làm, đối tượng lang thang, theo thứ tự ưu tiên của Nghị quyết 68, không được để xảy ra tiêu cực.

“Cố gắng để đưa cuộc sống trở lại bình thường, cả nước đang mong đợi, cả nước đang trông chờ, cả nước đang tin tưởng TP.HCM. Phải huy động sức mạnh của tập thể, sáng kiến của nhân dân và phải, không hoảng hốt, bình tĩnh, sáng suốt để đưa ra các quyết định phù hợp, trên tinh thần là lợi ích quốc gia và nhân dân lên trên hết” – Thủ tướng nói.

Lực lượng chức năng báo cáo Thủ tướng việc thực hiện Chỉ thị 16 tại phường Tân Phú, TP. Thủ Đức- TP.HCM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng lưu ý, diễn biến của dịch bệnh là chưa có tiền lệ, vì vậy khi triển khai thực hiện nên căn cứ và tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tích cực tuyên truyền người dân, cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn. Phải xem khó khăn thách thức này là động cơ phấn đấu, khẳng định và trưởng thành đội ngũ chính quyền các cấp. Thách thức này nếu vượt qua thì là cơ hội để khẳng định mình…

Trong thời gian tới, TP.HCM cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập để thực hiện thành công giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Thủ tướng và các thành viên đoàn công tác, lãnh đạo TP.HCM tại cuộc họp đồng lòng nhất trí khẳng định quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, vì “cả nước đang hy vọng, đang trông đợi, đang tin tưởng vào TP.HCM”.

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, quan trọng nhất là không để khủng hoảng truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, truyền cảm hứng, động viên nhân dân cùng vào cuộc, đồng hành, hưởng ứng với hệ thống chính trị, không để kẻ xấu xuyên tạc, chống phá, lợi dụng.

Thủ tướng yêu cầu Thành phố tổ chức thực hiện thật tốt các giải pháp phòng, chống dịch. “Trung ương luôn rất quan tâm, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng luôn luôn bên cạnh các đồng chí, giải quyết các kiến nghị nhanh nhất, tốt nhất có thể. Các đồng chí gọi, chúng tôi trả lời”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Bày tỏ cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định cuộc chiến đấu này chỉ có một con đường là chiến thắng và Thành phố quyết tâm tổ chức thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tặng Thành phố 500.000 găng tay y tế, góp phần cùng Thành phố chống dịch hiệu quả.

HOÀNG MINH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT