web analytics

Cà Mau: Giữ vững vị thế tốp đầu về xuất khẩu thủy sản 05/11/2020

(KDTT) – Trong vòng 5 năm qua, với những nỗ lực đầu tư, xúc tiến và kết nối, đến nay ngành tôm Cà Mau vẫn giữ vững vị trí tốp đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Tổng sản lượng thuỷ sản 5 năm đạt 2,7 triệu tấn, bình quân tăng 3,7%/năm càng khẳng định và củng cố hơn nữa vị trí số một của ngành tôm Cà Mau.

Vận chuyển tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau.

Tính đến thời điểm này, Cà Mau có hơn 150.000 hộ nuôi tôm với nhiều hình thức khác nhau: thâm canh, công nghiệp, siêu thâm canh, lúa – tôm… và 20.000 công nhân đang làm việc trong 39 nhà máy của 29 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản. Tổng công suất sản xuất, chế biến của các nhà máy ước đạt trên 185.000 tấn/năm. Trong đó, có trên 10 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt trên dưới 100 triệu USD/năm, chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Hiện, sản phẩm tôm của Việt Nam đã có mặt trên thị trường hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Về năng suất nuôi tôm Việt Nam tuy chưa thể so với một số nước: Ecuador, Ấn Độ, nhưng về chất lượng tôm thì đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Thương hiệu tôm Việt Nam đang dần được xây dựng vững chắc nhờ điểm nhấn “tôm sinh thái”.

Diện tích nuôi tôm ở Cà Mau trên 280.000 ha, bằng 40% diện tích nuôi tôm của cả nước. Các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh mặt hàng tôm liên quan đến đời sống khoảng 70% dân số của tỉnh. Tỉnh Cà Mau đang hướng đến mục tiêu mở rộng việc chứng nhận tôm sinh thái lên toàn bộ diện tích khoảng 20.000 ha kết hợp trồng rừng trong năm nay. Ngoài ra, tôm sinh thái Cà Mau còn vùng nuôi đặc thù rất lớn với hàng chục ngàn héc-ta lúa – tôm.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, ông Châu Công Bằng cho biết: “Tôm sinh thái là 1 trong 7 mặt hàng chủ lực của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và đã chứng minh được vị thế thời gian qua”.

Cà Mau là tỉnh có với lợi thế rất lớn so với các tỉnh khác trong cả nước về phát triển nuôi tôm sinh thái, với 3 mặt giáp biển được bảo bọc bởi diện tích rừng ngập mặn, nên đã phát huy rất tốt vai trò của mình. Hiện tỉnh đang có gần 34.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng, có hơn 20.000 ha được công nhận tôm sinh thái.

Việc quy hoạch phát triển nuôi tôm dưới tán rừng của các địa phương cùng với sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp đã giúp giá trị tôm Cà Mau không ngừng tăng lên. Không chỉ đơn giản là người dân được tăng thu nhập, doanh nghiệp có sản phẩm tôm sạch, chất lượng để xuất khẩu mà giá trị về bảo vệ môi trường đã giúp tôm sinh thái Cà Mau dần khẳng định vị thế.

Ngoài sản lượng tôm nuôi, mỗi năm Cà Mau còn thu hoạch hàng trăm ngàn tấn thuỷ sản do đội tàu khai thác hơn 4.000 chiếc mang về.

Ngoài nuôi tôm truyền thống, nuôi tôm sinh thái, Cà Mau đã và đang dần hình thành mô hình tôm siêu thâm canh. Năng suất nuôi đạt tỷ lệ thành công 80%, sản lượng đạt 70 tấn/ha/năm. Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 ha nuôi tôm siêu thâm canh. Mô hình này tuy mới phát triển vài năm nhưng đã góp phần nâng sản lượng tôm của Cà Mau.

Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh khoảng 1,2 tỷ USD.  Để đạt được kết quả đó, nhiều năm qua tỉnh đã hỗ trợ đẩy mạnh sự liên kết giữa sản xuất và phân phối trên thị trường thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cầu nối giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nghiên cứu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Dương Vũ Nam thông tin: “Giai đoạn 2016-2020, ngành công thương đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức hiệu quả các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển”.

Thời gian qua, thị trường xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau có thêm niềm vui và hy vọng với Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức để sản phẩm thuỷ sản Cà Mau tiến sâu vào thị trường EU. Ông Dương Vũ Nam cho biết: “EU là thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng với 27 nước thành viên và dân số khoảng 500 triệu người. Đó là cơ hội rất lớn cho cả doanh nghiệp xuất khẩu và nguồn cung ứng nguyên liệu thuỷ sản”.

KHÁNH LINH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT