Nhiều tháng nay, người dân Thủ đô bỗng thấy lạ lẫm khi tòa nhà quen thuộc, từng gắn với ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội mang tên “Bưu điện Hà Nội” – nằm đối diện Hồ Gươm bất ngờ bị “thay tên, đổi họ”. Đơn vị quản lý đã đổi tên cho tòa nhà này thành “VNPT Hà Nội”.
Chiều 3.11, trao đổi với nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến cho hay: Bưu điện Hà Nội từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Hà Nội.
“Trước đây là tòa nhà Bưu điện Hà Nội, tòa nhà gắn liền với ký ức của nhiều người dân Thủ đô cũng như là người dân cả nước, nhất là những năm tháng trong thời kỳ chiến tranh gian khổ và kiến thiết đất nước. Hình ảnh của Bưu điện Hà Nội đã trở thành kỷ niệm trong ký ức của rất nhiều người” – ông Trương Minh Tiến nói.
Cũng theo nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, từ ngày Tập đoàn VNPT thành lập xin đổi tên Bưu điện thành VNPT để khẳng định thương hiệu. Tòa nhà này hiện tại là của VNPT Hà Nội quản lý. Bưu điện Hà Nội là ở phần bên cạnh. Tuy vậy, Sở VHTT cũng đã có văn bản đề xuất với thành phố về việc giữ nguyên tên Bưu điện Hà Nội.
Theo Sở VHTT Hà Nội, từ đầu năm 2018, ngay khi lấy ý kiến về việc sửa chữa, thay thế thiết bị đồng hồ Bưu điện Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP. Báo cáo khẳng định Bưu điện Hà Nội là nơi ghi dấu nhiều thăng trầm lịch sử của mảnh đất Hà thành và hình ảnh chiếc đồng hồ lớn gắn với tòa nhà Bưu điện Hà Nội ở bên Hồ Gươm từ lâu đã ở trong tâm thức của người dân Thủ đô và du khách.
“Mặc dù Bưu điện Hà Nội được tu sửa và xây dựng mở rộng nhiều lần nhưng cái tên “Bưu điện Hà Nội” chưa từng thay đổi”, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho hay.
Việc bảo tồn di sản của Thủ đô cần phải quan tâm đến cả các di sản tiêu biểu của kiến trúc bởi đó là những minh chứng cho lịch sử văn hiến nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội.
Chính vì vậy, Sở VHTT Hà Nội cho rằng, đơn vị chủ quản tòa nhà này (Công ty Viễn thông Hà Nội) nên trả lại cái tên Bưu điện Hà Nội như trước đây.
Dấu ấn lịch sử của Bưu điện Hà Nội
Năm 1946, nơi đây là một trận địa chống Pháp quyết liệt của các chiến sĩ Thủ đô và công nhân Nhà Bưu điện.
Công trình đã được gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến với nội dung: “Ngày 20.12.1946 tại Bưu điện Hà Nội, các chiến sĩ Thủ đô và công nhân bưu điện đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt tấn công của giặc Pháp”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nóc của tòa bưu điện được chọn là một trong số những điểm bố trí hệ thống súng phòng không để bảo vệ bầu trời Thủ đô.
VƯƠNG TRẦN
Nguồn laodong.vn