web analytics

Bước vào tuần quan trọng, Brexit sẽ ‘đi đâu về đâu’? 16/10/2019

(KDTT) – Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đương đầu với một tuần quan trọng nhất trên cương vị lãnh đạo của mình trong bối cảnh hồ sơ Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, vẫn ở thế bế tắc và không ai biết được tương lai của Brexit sẽ “đi đâu về đâu”. Hiện nay, vẫn còn “khoảng cách lớn” trong các cuộc thảo luận giữa Anh và EU về vấn đề Brexit. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson chưa thể tìm ra giải pháp khả thi để đưa Anh rời EU. (Nguồn: Reuters).

Hệ thống hải quan “tay đôi” không khả thi

Các nhà đàm phán EU và Anh, vốn đang đối mặt với thời hạn chót đạt được một thỏa thuận Brexit vào tuần này, đã mất cả cuối tuần qua để nỗ lực tìm ra một “lối thoát” cho việc Anh rời khối. Tuy nhiên, giới ngoại giao chiều 13/10 cho biết cuộc thương lượng đã không đạt được bước đột phá nào. Thậm chí, một đề cương của thỏa thuận cũng là điều khó đạt được trong bối cảnh hai bên vẫn còn bất đồng quá lớn cũng như tính chất phức tạp của Brexit. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần phải thỏa mãn các nước thành viên còn lại của EU đồng thời thỏa mãn quốc hội Anh vốn đang bị chia rẽ sâu sắc.

Bản đề xuất mới nhất của Anh tập trung vào nỗ lực thực hiện một hình thức đối tác hải quan vốn sẽ để Bắc Ireland (về mặt hình thức) thuộc liên minh hải quan với Anh, song (về bản chất) lại hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ giống như các thành viên khác của liên minh hải quan EU. Thế nhưng, hệ thống hải quan kiểu này khó bề triển khai hiệu quả và EU lo sợ rằng một hệ thống hải quan “tay đôi” như vậy có thể gây ra những đe dọa đến tính thống nhất của thị trường chung EU.

Thông báo về cuộc đàm phán cuối tuần giữa EU và Anh về thỏa thuận Brexit, trưởng đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier cho biết kế hoạch của Anh về kiểm soát hàng hóa là không thể chấp nhận được. Thông báo của EU có đoạn: “Vẫn còn rất nhiều việc cần phải giải quyết”. Thông điệp này được lặp lại ở London nơi Thủ tướng Johnson nói với nội các rằng “có thể chờ đợi một lộ trình tiến tới thỏa thuận” song vẫn còn “nhiều việc cần làm”.

Hiện nay, các khía cạnh đề cập trong thỏa thuận của Anh nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối nhất, đó là làm thế nào để tránh được một đường biên giới cứng trên đảo Ireland, vẫn cần phải làm rõ. Các cuộc đàm phán giữa Anh và EU sẽ tiếp tục vào ngày 14/10. Các nhà đàm phán EU dường như đã “hạ giọng” về quan điểm của họ, một chỉ dấu cho thấy họ sẵn sàng duy trì tiến trình đàm phán cho đến ngày 16/10, tức là trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Trước đó, EU tuyên bố rằng Anh cần trình EU một thỏa thuận sửa đổi trong vòng 1 tuần trước khi diễn ra thượng đỉnh khối.

Bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần phải qua được “ải” Quốc hội Anh. Một thực tế của quá trình thương lượng Brexit trong thời gian qua là bất kỳ thỏa thuận nào được EU chấp nhận thì lại “chật vật” trước cửa ải của Quốc hội Anh. Ông Mujtaba Rahman, Giám đốc cơ quan tư vấn Eurasia ở châu Âu nhận định: “Thách thức sẽ là nội bộ chính trị trong nước ở Anh”. Nếu đạt được một thỏa thuận với EU, thì Anh sẽ bước vào một giai đoạn kéo dài 14 tháng nữa để vừa duy trì quan hệ với EU vừa thương lượng một thỏa thuận thương mại mới, mặc dù điều này có thể kéo dài 1 năm.

Nếu không có thỏa thuận nào đạt được trước ngày 19/10, Quốc hội Anh sẽ thông qua luật buộc chính phủ đề nghị kéo dài thời gian đàm phán. Trong trường hợp đó, các cuộc thảo luận giữa EU và Anh trong dịp diễn ra hội nghị thượng đỉnh của khối từ ngày 17-18/10 sẽ có thể tập trung vào các điều kiện, nếu có, để EU cho phép London thêm thời gian trì hoãn tiến trình Brexit thêm một lần nữa sau thời hạn chót hiện nay là ngày 31/10. Brexit đã bị trì hoãn 2 lần trước đó.

Tồn tại nhiều khoảng cách giữa EU và Anh trong đàm phán Brexit . (Nguồn: Istock)

Thêm một tuần hỗn loạn

Nhiều chuyên gia cho rằng chính trường Anh lại “sống” thêm một tuần hỗn loạn. Quốc hội Anh ngày 14/10 đã hoạt động trở lại, song chương trình nghị sự sẽ không tập trung vào các vấn đề mang tính lập pháp. Ngày 19/10, Quốc hội Anh sẽ lần thứ 4 nhóm họp vào ngày thứ Bảy kể từ năm 1939. Tùy thuộc vào diễn biến từ nay đến ngày đó, các nghị sĩ Anh sẽ “vắt chân lên cổ” để xem xét thỏa thuận Brexit hoặc tiếp tục thảo luận về khả năng gia hạn Brexit và xác định điều cần làm tiếp theo.

Sau khi Thủ tướng Johnson trở về từ Brussels, Quốc hội Anh có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu về chương trình lập pháp mới của chính phủ. Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson có thể thất bại trong cuộc bỏ phiếu này. Điều này mở đường cho một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở chính phủ, vốn có thể dẫn đến một cuộc bầu cử vào cuối tháng Mười một hoặc đầu tháng Mười hai. Các nghị sĩ ủng hộ EU có thể yêu cầu bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với EU cũng cần phải trải qua một cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit.

Các giải pháp giữ thể diện (cho Anh) đang được thảo luận. Một vị bộ trưởng Anh cho rằng London có thể gửi một bức thư đến Brussels yêu cầu gia hạn. Ngày 21/10, nếu Chính phủ Anh chưa đề nghị Brussels gia hạn thời điểm thực hiện Brexit thì Tòa án tối cao của Scotland sẽ xem xét đơn khiếu nại của những người ủng hộ EU khi họ cho rằng tòa có thể đề nghị Brussels kéo dài thời hạn thực hiện Brexit nếu ông Johnson không làm như vậy.

Trong trường hợp Anh và EU đạt được một thỏa thuận nào đó, thì ông Johnson sẽ phải giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ Anh đối với thỏa thuận này. Những nghị sĩ Anh hoài nghi châu Âu lo sợ rằng một giai đoạn chuyển giao dần dần để Anh rời EU sẽ cản trở London nhanh chóng ký kết các thỏa thuận thương mại với nước thứ ba cũng như cản trở London thiết lập các quy định riêng của mình.

Hiện chưa rõ một Brexit bế tắc lần nữa sẽ gây ra hệ lụy như thế nào. Lối thoát rõ ràng nhất đối với các nghị sĩ Anh là kích hoạt một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử của Anh, tức đưa Công đảng do ông Jeremy Corbyn đứng đầu vốn cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, ra đấu với Đảng Bảo thủ vốn muốn Anh rời EU bằng mọi giá. Ngoài ra, các nghị sĩ đối lập cũng có thể tập hợp lại để lập nên một chính phủ tạm thời để trực tiếp kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mới.

Theo Báo Thế giới và Việt Nam