web analytics

Bức tranh kinh tế – xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực 30/09/2019

(KDTT) – Báo cáo kinh tế – xã hội của Tổng Cục thống kê nhận định: trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy giảm, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam quý III và 9 tháng năm 2019 tiếp tục có những chuyển biến tích cực là nhờ sự điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Theo số liệu thống kê tổng hợp, Tổng Cục thống kê cho biết, nền kinh tế 9 tháng năm 2019 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 9 năm trở lại đây, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường có mức tăng cao, giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh.

Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá. Số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng lao động ngày một nâng cao, thu nhập của người dân cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới, trong đó nổi lên là: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Thời tiết diễn biến phức tạp, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất ngành trồng trọt và chăn nuôi. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu giảm đáng kể.

Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2019, tạo đà thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, Tổng Cục Thống kê kiến nghị, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần bám sát tình hình thực tiễn, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nhân dân để huy động các nhà đầu tư và nhà thầu trong nước tham gia vào hoạt động đầu tư và thi công. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc cập nhật thông tin, thủ tục liên quan đến đấu thầu các công trình, dự án và tạo môi trường đấu thầu cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, giảm các thủ tục rườm rà đối với doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các dự án với nguồn vốn vay ưu đãi. Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, có giải pháp khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.

Điều chỉnh phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với các vùng, miền nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực, tăng cường sản xuất đối với cây trồng ngắn ngày, nâng cao chất lượng các loại cây ăn quả phục vụ xuất khẩu.

Tập trung nguồn lực để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng, hạn chế thiệt hại cho ngành chăn nuôi, ưu tiên bảo vệ tốt đàn lợn nái phục vụ cho công tác tái đàn sau khi khống chế được dịch bệnh. Ngành thủy sản cần gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phân tích và dự báo tốt các tín hiệu của thị trường để có những bước đi phù hợp.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ.

Theo baochinhphu.vn