“Với việc xem an toàn là ưu tiên của mình, chúng tôi đã hoàn thành tất cả chuyến bay thử nghiệm kĩ thuật đối với bản cập nhật phần mềm và sẵn sàng bước vào chuyến bay chứng nhận cuối cùng” – giám đốc điều hành hãng Boeing, ông Dennis Muilenburg, ngày 16-5 (giờ Mỹ) cho biết.
Vị CEO 55 tuổi nói thêm: “Các vụ tai nạn chỉ làm tăng cam kết của chúng tôi đối với các giá trị của mình, gồm độ an toàn, chất lượng và sự trung thực vì chúng tôi biết rằng mạng sống phụ thuộc vào những gì chúng tôi làm”.
Theo hãng tin AFP, Boeing cho biết đã cho bay thử nghiệm dòng 737 MAX sau khi đã cập nhật phần mềm đối với Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) trong hơn 360 giờ trên tổng cộng 207 chuyến bay.
Hiện những điểu chỉnh được đưa ra – vốn nhằm giải quyết vấn đề đối với hệ thống MCAS được cho là nguyên nhân gây ra 2 vụ tai nạn hàng không ở Indonesia và Ethiopia – phải nhận được sự chấp thuận từ các nhà quản lý hàng không Mỹ và quốc tế trước khi dòng 737 MAX có thể quay lại bầu trời.
Boeing cho biết đang trong quá trình nộp kế hoạch huấn luyện phi công lên Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) và sẽ làm việc với cơ quan này để sắp xếp chuyến bay thử nghiệm chứng nhận độ an toàn – một bước đi quan trọng để các máy bay dòng 737 MAX hoạt động trở lại.
Dự kiến, FAA sẽ tổ chức một cuộc gặp vào ngày 23-5 tới ở bang Texas với sự tham dự của các nhà quản lý hàng không thế giới để thông tin về việc đánh giá bản sửa lỗi phần mềm của Boeing cũng như vấn đề huấn luyện phi công.
Hiện hơn 300 máy bay dòng 737 MAX đã được cho “nằm đất” trên toàn cầu sau khi gần 350 người thiệt mạng trong hai vụ tai nạn hàng không liên quan tới dòng máy bay này ở Indonesia vào tháng 10-2018 và ở Ethiopia vào tháng 3-2019.
Không rõ khi nào các máy bay dòng 737 MAX sẽ được phép hoạt động trở lại. Các hãng hàng không Mỹ hi vọng các máy bay dòng này sẽ được phép bay từ mùa hè năm nay.
Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) bị đặt vào vòng nghi vấn sau hai vụ tai nạn hàng không ở Indonesia và Ethiopia.
Do dòng máy bay 737 MAX được trang bị các động cơ lớn hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn nên Boeing phải thiết kế lại vị trí phần động cơ. Sự thay đổi này đã phá vỡ trọng tâm của máy bay và làm cho 737 MAX có xu hướng hất mũi lên trong quá trình bay, khiến máy bay dễ thất tốc. Do đó, MCAS được thiết kế để đối phó vấn đề này bằng cách hướng mũi máy bay xuống.
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy có thể hệ thống MCAS đã nhận tín hiệu sai do cảm biến góc tấn gặp trục trặc, khiến hệ thống MCAS tưởng rằng máy bay sắp thất tốc nên tự động phát lệnh chúi mũi máy bay xuống. Phi công đã nỗ lực đưa mũi máy bay lên nhưng bất thành.
Theo: tuoitre.vn