web analytics

Bí quyết xây dựng thương hiệu xanh 07/12/2021

(KDTT) – Thương hiệu thân thiện với môi trường hay còn gọi là thương hiệu xanh đã ảnh hưởng tích cực đến chúng ta, nhất là khi vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng cao như hiện nay. Trở thành một thương hiệu xanh không phải là một việc dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh có khá nhiều thương hiệu cố gắng tự thể hiện hình ảnh thân thiện với môi trường nhưng lại đi ngược với mục đích trong hoạt động của mình.

Có thể hiểu, doanh nghiệp xanh hay doanh nghiệp bền vững là doanh nghiệp không gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường, đối với cộng đồng hay nền kinh tế.

Doanh nghiệp xanh hoạt động tập trung vào việc thực hiện những qui tắc và thông lệ có lợi cho người lao động, cộng đồng và môi trường.

Doanh nghiệp xanh đặc biệt cuốn hút người tiêu dùng vì các doanh nghiệp này nổi tiếng bởi sự quan tâm bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường, đảm bảo đời sống của người lao động và những nhà cung cấp của họ, đồng thời liên tục cải thiện cách tiếp cận để hướng tới sự bền vững và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Trở thành doanh nghiệp xanh không phải là sự thay đổi một lần mà là nỗ lực thường xuyên cần sự học hỏi và cải thiện không ngừng.

Tại Việt Nam, từ lâu, Đảng ta đã xác định tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Tăng trưởng xanh gắn liền với mục tiêu nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên, trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững, giảm phát thải, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kinh, dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.

Để một doanh nghiệp được đánh giá doanh nghiệp xanh cần phải dựa vào 3 yếu tố, tiêu chí chính bao gồm: Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; Tuân thủ các qui chuẩn, tiêu chuẩn môi trường; Tuân thủ về hồ sơ quản lí môi trường cùng các vấn đề liên quan khác.

Đảm bảo hệ thống xử lí nước thải đạt quy chuẩn, đảm bảo tiêu chuẩn xả thải công nghiệp… không những giúp cho bản thân doanh nghiệp có môi trường trong lành, mà còn giảm thiểu tối đa được những hệ lụy với môi trường sống, với xã hội …

Để trở thành một doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp nên thực hiện những gì mình đã đề ra. Điều này có nghĩa là tuân thủ đúng tất cả những nguyên tắc bảo vệ môi trường liên quan tới công việc kinh doanh.

Việc thực hiện này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giúp cho doanh nghiệp kinh doanh và hoạt động theo đúng những quy định của pháp luật.

Phát triển một hệ thống quản lí môi trường khi điều hành một doanh nghiệp xanh đồng nghĩa với việc tạo ra một không gian làm việc thân thiện với môi trường và sử dụng có hiệu qua các nguồn năng lượng.

Một kế hoạch quản lí môi trường hợp lí sẽ có tác dụng giảm thiểu tối đa các tác động môi trường và khuyến khích việc thực hành doanh nghiệp xanh.

Về thiết lập văn phòng xanh, khi doanh nghiệp đang có kế hoạch mở một Văn phòng mới hay nâng cấp văn phòng hiện tại.

Hãy đảm bảo rằng văn phòng xanh đó được lắp đặt hệ thống điều hòa nhiệt độ cũng như các thiết bị văn phòng, hệ thống ánh sáng sử dụng năng lượng hiệu quả.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải cân nhắc mua các sản phẩm thân thiện với môi trường như: Các sản phẩm từ vật liệu tái chế hoặc đã qua sử dụng; Chế phẩm sinh học; Các sản phẩm không gây độc hại; Các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; Các sản phẩm có thể làm mới hoặc tái chế; Các sản phẩm nội địa ví dụ như thực phẩm hữu cơ bản địa.

Và việc sử dụng hợp lí nguồn năng lượng chính là một phương thức kinh doanh thông minh. Đây là một trong những bước dễ dàng và hiệu quả nhất giúp cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận, và tạo giá trị cho doanh nghiệp.

Do đó sử dụng năng lượng hiệu quả chính là nhân tố chính của chiến lược quản lí môi trường của doanh nghiệp.

Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải, tất cả các ngành kinh doanh đều tạo ra rác thải. Với một số ngành có thể chỉ bao gồm giấy loại hoặc nước thải nhưng với một số ngành khác lại là những chất thải độc hại hay nguy hiểm, đòi hỏi phải có phương pháp xử lí đặc biệt.

Dù doanh nghiệp thải ra bất kì loại rác thải hay khối lượng rác như thế nào nó cũng rất tốn kém. Doanh nghiệp phải trả tiền hai lần cho tất cả những gì doanh nghiệp sử dụng, một lần khi doanh nghiệp mua và lần thứ hai là khi doanh nghiệp bỏ đi.

Vì thế hạn chế rác thải sẽ tiết kiệm tiền cho doanh nghiệp. Ngoài việc cắt giảm chi phí thu dọn, các phương pháp giảm thiểu rác thải cũng giúp tiết kiệm chi phí mua nguyên liệu thô, các vật dụng và thiết bị văn phòng.

Quy trình quản lí rác thải trong quá trình vận hành kinh doanh gồm: Dùng các sản phẩm đã qua sử dụng hoặc tái chế; Loại bỏ những sản phẩm đóng gói không cần thiết; Tối ưu hóa việc sử dụng các sản phẩm từ giấy hoặc các sản phẩm tự phân hủy, thân thiện với môi trường.

QUỲNH ANH

Bạn đang đọc bài Bí quyết xây dựng thương hiệu xanh
tại chuyên mục  Doanh nghiệp – Thương hiệu.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT