web analytics

Bất động sản Việt Nam 2019: Thách thức song hành cùng cơ hội 23/04/2019

(KDTT) – Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2019 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhưng không có nhiều đột biến như các năm trước.

Đầu cơ đất nền, nguồn tín dụng bị siết chặt, ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới và chính sách chưa rõ ràng đối với các sản phẩm bất động sản mới là những thách thức chính của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2019.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2019 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhưng không có nhiều đột biến như các năm trước.

Theo báo cáo vừa được công bố của Vietnam Report, các doanh nghiệp xây dựng – bất động sản có thể phải đối mặt với bốn thách thức trong năm 2019 là: (1) Hiện tượng đầu cơ mạnh ở phân khúc đất nền tại nhiều khu vực khiến giá đất tăng “ảo”; (2) Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại, khiến cho nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản khó tiếp cận được nguồn vốn “tín dụng”; (3) Rủi ro đến từ những biến động của kinh tế thế giới; (4) Một số chính sách cho các loại hình sản phẩm mới như condotel, officetel còn rất hạn chế và chưa rõ ràng, minh bạch.

Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2019 có tăng trưởng nhưng không nhiều đột biến – Nguồn: Internet

Bên cạnh các thách thức trên là bốn cơ hội lớn, bao gồm: (1) Nhu cầu về các dự án cơ sở hạ tầng giao thông ở khu vực đô thị được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong vòng 10 năm tới; (2) Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài; (3) Khung chính sách chặt chẽ và tăng tính an toàn hơn; (4) Các hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ là động lực thu hút thêm nguồn vốn đầu tư, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia chỉ ra ba nhóm giải pháp chính để hỗ trợ tốt nhất cho thị trường bất động sản – xây dựng tăng trưởng bền vững, bao gồm: Nhà nước và các địa phương phải chủ động trong chiến lược phát triển kinh tế gắn liền với chiến lược phát triển đô thị, coi chiến lược phát triển đô thị, phát triển bất động sản là một bộ phận trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; phải kiên định trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, nhất thể hóa quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch sử dụng đất; phải có những chính sách đột phá trong các vấn đề như tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn, chỉnh trang và phát triển đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng đô thị và có chính sách phù hợp phát triển các phân khúc nhà ở bình dân. Với các doanh nghiệp, thay vì chỉ chú tâm đầu tư mở rộng thị phần thì cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu và uy tín của mình.

 

Theo: kinhdoanhvaphattrien.vn

R.N
(Hợp tác phát triển nội dung cùng Rubix International)