web analytics

Bất động sản TP.HCM: Đỏ mắt tìm dự án nhà phố, đất nền 20/09/2019

(KDTT) – Từ đầu năm đến nay, nguồn cung đất nền, biệt thự, nhà phố tại TP.HCM rất hạn chế, khiến giá tăng cao.

Phân khúc nhà phố, biệt thự, đất nền tại TP.HCM đang khan hiếm sản phẩm mới mở bán, dẫn đến giá tăng cao.

Khan hiếm nguồn cung

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường DKRA Vietnam, từ đầu năm 2019 tới nay, phân khúc đất nền tại TP.HCM giảm mạnh. Cụ thể, quý IV/2018, thị trường có 1.074 nền đất được bán, nhưng sang quý I/2019 chỉ có 259 nền, quý II chỉ có 291 nền được bán.

Trong khi đó, phân khúc biệt thự, nhà phố cũng khá ảm đạm, với 183 sản phẩm được bán ra trong quý I/2019 và 389 sản phẩm trong quý II năm nay.

Thời gian qua, cung cấp nhiều sản phẩm nhất tại thị trường TP.HCM là Dự án Van Phuc City của Tập đoàn Đại Phúc tại quận Thủ Đức. Trước đây, mỗi năm, Đại Phúc cung cấp cho thị trường trên 500 sản phẩm nhà phố, biệt thự, thì từ đầu năm tới nay chỉ bán chưa tới 100 sản phẩm và đã dừng bán sản phẩm mới từ tháng 7/2019.

Việc dừng triển khai bán sản phẩm nhà phố, biệt thự được lãnh đạo Tập đoàn Đại Phúc cho biết là vì thị trường khó khăn, doanh nghiệp dừng triển khai bán mới để xây dựng hạ tầng và tiện ích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cho biết, Công ty có 2 dự án tại huyện Bình Chánh và quận 9, đã nộp hồ sơ xin phát triển dự án từ hơn 2 năm trước, nhưng tới nay vẫn chưa được cấp phép.

Thị trường khan hiếm nguồn cung mới, nên khách hàng khó tìm được sản phẩm theo nhu cầu.

Anh Vũ Phong (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết, từ đầu năm 2019 tới nay, anh tìm mua một căn nhà phố nằm trong dự án bất động sản được xây dựng hạ tầng đầy đủ, nhưng tới giờ, anh chưa tìm được. Lý do là không có dự án mới, trong khi các dự án còn hàng (có 2 dự án đã mở bán từ những năm trước), thì giá rất cao, diện tích lớn.

Hệ lụy bùng phát

Phân khúc nhà phố, biệt thự, đất nền tại TP.HCM đang khan hiếm sản phẩm mới mở bán, dẫn đến giá tăng cao.

Chẳng hạn, các dự án đất nền tại khu Trường Lưu (quận 9), năm 2018 có giá bán 1,4 tỷ đồng/nền đất (5 x 20 m), thì nay giá đã tăng lên khoảng 3 tỷ đồng/nền. Tại quận 2, giá đất nền năm 2018 tại khu Thạnh Mỹ Lợi ở mức 50 – 70 triệu đồng/m2, thì nay tăng lên trên 90 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, theo công bố của DKRA Vietnam, khu Nam và khu Tây, giá đất cũng tăng từ 15 đến 30% so với năm 2018.

Một hệ lụy nữa mà thị trường TP.HCM đang gặp phải là chỉ từ đầu năm 2019 tới nay, hàng loạt dự án “ma” xuất hiện. Những dự án này bị các doanh nghiệp môi giới tự ý phân lô bán nền, thậm chí, họ lấy cả đất công viên, đất trường học… ra phân lô để chào bán cho người dân.

Sau thời gian bán khá dài, nhiều người mắc bẫy lừa dự án “ma”, gần đây, cơ quan chức năng mới đưa ra các cảnh cáo tới người dân. Gần đây nhất là ngày 10/8/2019, UBND quận 12 đưa ra cảnh cáo về các dự án “ma” tại quận này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, việc khan hiếm đất nền tại TP.HCM đến từ nhiều yếu tố. Trong đó có việc TP.HCM áp dụng Quyết định 60/2017/QĐ-UBND về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa. Quyết định này đã làm cho việc tách thửa của người dân và doanh nghiệp khó khăn hơn, vì diện tích quy định cao hơn so với trước đó, trong khi Thành phố lại chưa có hướng dẫn cụ thể, nên chính quyền địa phương chưa thể triển khai.

Bên cạnh đó, ông Châu cho biết, hiện thủ tục phức tạp, quy định của các luật chồng chéo, rườm rà, dẫn đến các dự án trong đầu tư xây dựng kéo dài thời gian. Cụ thể, chủ đầu tư phải mất khoảng 3 năm để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng dự án. Sau đó, chủ đầu tư còn mất thêm khoảng 2 năm để lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư, bao gồm quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; quyết định chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư; quyết định thu hồi đất, giao đất dự án cho chủ đầu tư; thẩm định thiết kế cơ sở – thiết kế kỹ thuật – giấy phép xây dựng… Ngoài ra, chủ đầu tư còn mất trên dưới 3 năm để triển khai thực hiện dự án, xây dựng các công trình trong dự án.

Đó là nhà đầu tư thực hiện đúng quy trình và suôn sẻ. Còn nếu bị vướng trong quá trình triển khai các thủ tục, khâu đền bù giải tỏa chậm, thì có thể phải mất trên chục năm, dự án nhà ở thương mại mới có sản phẩm đưa ra thị trường.

Trên thực tế, không ít dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ do không rõ trình tự thực hiện các thủ tục. Hoạt động kinh doanh cũng vì thế bị tăng chi phí và rủi ro, dẫn tới giá bán tăng cao.

Diễn biến thị trường nhà phố tại Hà Nội trong mấy năm gần đây

Từ năm 2015 đến 2018, nhà phố 7 quận nội thành Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân đều tăng giá. Trong đó, Hoàn Kiếm có mức tăng cao nhất với 17%.

Tại khu ven Hà Nội (gồm: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức), mức tăng cao nhất của phân khúc nhà phố thuộc về Gia Lâm, với mức tăng 64%. Nhà mặt phố Bắc Từ Liêm tăng giá từ 85 triệu đồng/m2, lên mức 100 triệu đồng/m2 (tăng 19%).

Với phân khúc nhà riêng, từ năm 2015 đến 2018, Hoàn Kiếm tiếp tục giữ ngôi vương với mức tăng 7 – 10%, từ 110 triệu đồng/m2 lên 120 triệu đồng/m2; tại các quận còn lại, mức tăng là 1 – 7%.

Nhà riêng tại các quận ven và huyện ngoại thành luôn có mức tăng ấn tượng. Từ năm 2015 đến 2018, nhà riêng Bắc Từ Liêm tăng giá 16%, từ mức 60 triệu đồng/m2, lên gần 70 triệu đồng/m2; tại Long Biên, giá tăng 13%, từ khoảng 55 triệu đồng/m2 lên gần 65 triệu đồng/m2.

(Báo cáo Bất động sản quý II/2019 của Batdongsan.com.vn)

Theo: baodautu.vn