web analytics

Bất động sản công nghiệp Việt Nam có mức lợi nhuận cao nhất Đông Nam Á 03/05/2019

(KDTT) – Bất động sản công nghiệp đang nổi lên như là phân khúc hấp dẫn nhất tại Việt Nam trong năm 2019.

Lợi nhuận của bất động sản công nghiệp có thể đạt mức 11 – 12%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng bất động sản công nghiệp đang nổi lên như là phân khúc hấp dẫn nhất tại Việt Nam trong năm 2019. Sự hấp dẫn này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thứ hai, Việt Nam là điểm trung chuyển hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á qua cảng Cát Lái và hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU qua khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải. Thứ ba, Việt Nam có chi phí sản xuất thấp (dưới 1 USD/giờ), thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn Trung Quốc; chi phí lao động trung bình ước tính thấp hơn 43% so với Thái Lan và 10% so với Indonesia. Các yếu tố trên khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam càng nhiều, đồng thời có thể đẩy lợi nhuận của bất động sản công nghiệp lên mức 11 – 12%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam có thể đạt lợi nhuận từ 11 – 12% – Nguồn: Internet

Cùng chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam hiện chiếm ưu thế thu hút dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc nhờ chi phí lao động thấp so với hầu hết các nước Đông Nam Á, giá đất công nghiệp thấp so với nhiều thành phố lớn của các nước, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi. Tuy vậy, để bứt phá trong thời gian tới, Việt Nam cần phải dịch chuyển sản xuất hàng hóa lên bước cao hơn, phát triển những ngành nghề “xanh”, sử dụng lao động hiệu quả và hàm lượng công nghệ cao sẽ là thế hệ khách thuê bất động sản mới. Bên cạnh nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà xưởng và hạ tầng, Việt Nam cần giải quyết bất cập do hạ tầng kết nối đa phương tiện thiếu đồng bộ, mất cân đối giữa vận tải đường bộ và các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường thủy. Hiện vận tải hàng hóa đường bộ tại Việt Nam chiếm 77% tổng lượng vận chuyển hàng hóa của cả nước. Chi phí logistics chiếm gần 21% tổng GDP, cao hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Điều này đã nhiều khu công nghiệp tỷ lệ lấp đầy thấp, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ (như Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận).

Để giải quyết những thách thức trên, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tận dụng tốt sự dịch chuyển từ Trung Quốc, khai thác tối đa tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp của Đông Nam Á, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hàng hoá.

R.N
(Hợp tác phát triển nội dung cùng Rubix International)

Theo: kinhdoanhvaphattrien.vn