web analytics

Bảo vệ tác giả từ “bẫy” bản quyền âm nhạc trên nền tảng số 07/12/2021

(KDTT) – Tình trạng vi phạm bản quyền nghệ thuật nói chung, vi phạm bản quyền âm nhạc nói riêng trên môi trường số đang không ngừng gia tăng, ngày càng tinh vi, khó lường, đã ảnh hưởng tới uy tín, quyền lợi của nhiều nghệ sĩ, gây bức xúc trong dư luận. Vấn đề này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh.

Khi “con đẻ” bị “đổi huyết thống” 

Câu chuyện bắt đầu khi Báo điện tử VTV và Chương trình Chuyển động 24h công khai lên án đơn vị truyền thông BH Media (Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ truyền thông BIHACO) ngang nhiên nắm giữ bản quyền và âm thầm khai thác nhiều tác phẩm âm nhạc một cách trái phép.

Theo đó, nhạc sĩ Giáng Son và nhiều nghệ sĩ đình đám bị khiếu nại vi phạm bản quyền còn đang chưa đến hồi kết thì người ta mới vỡ lẽ ra rằng đây không phải lần đầu các nghệ sĩ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi đứa con tinh thần của mình bỗng chốc biến thành … con người khác. Hay nói như nhạc sĩ Minh Châu – người từng có hơn 300 tác phẩm bị người khác tự ý đăng ký bản quyền trên YouTube cách đây hơn 1 năm rằng, đây là “vấn nạn tranh giành, ăn cướp bản quyền trên mạng”.

Việc vi phạm bản quyền âm nhạc là một vấn đề nhức nhối cần được giải quyết.

 

Tuy nhiên không phải nhạc sĩ nào cũng phát hiện được hành vi xâm phạm bản quyền với tác phẩm của mình, nhất là nghệ sĩ lớn tuổi, ít cập nhật mạng xã hội, ít sử dụng các tiện ích trên môi trường số. Ngay cả khi phát hiện sai phạm, không phải ai cũng chọn cách lên tiếng, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, phần vì mất thời gian, phiền hà và mệt mỏi, phần vì không biết tìm địa chỉ tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm để khiếu nại, bởi nhiều địa chỉ được đăng ký trên mạng không có thật, hoặc ở nước ngoài.

Tình trạng cho thấy vấn nạn xâm phạm bản quyền âm nhạc trên môi trường số đang diễn ra theo xu hướng ngày càng gia tăng, dưới nhiều chiêu thức tinh vi, gây bức xúc với người làm nghề, cũng như người yêu âm nhạc. Không ít tổ chức, cá nhân nhập nhèm về bản quyền, đánh tráo khái niệm bản quyền, quyền “bản ghi” đối với tác phẩm âm nhạc.

Một số đối tượng còn lợi dụng sự thật thà, cả tin, ít am hiểu công nghệ, thiếu cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật của một số nghệ sĩ để đưa ra điều khoản bất lợi cho nghệ sĩ, chiếm quyền kiểm soát của tác giả trên nền tảng số; chỉ mua hoặc được ủy quyền khai thác hợp pháp một số bản ghi âm, nhưng sau đó lại nhập nhèm về quyền đối với tất cả các bản ghi âm đã đăng ký với YouTube để hưởng lợi bất chính… Điều đó không chỉ trực tiếp làm tổn hại cá nhân nghệ sĩ, mà khiến thị trường âm nhạc trở nên hỗn loạn, bát nháo.

Gian nan nhưng vẫn cần minh bạch 

Các nền tảng số bên cạnh ưu thế giúp âm nhạc của nghệ sĩ lan tỏa rộng rãi đến với nhiều đối tượng khán giả, còn đặt ra thử thách lớn về tôn trọng bản quyền. Là nơi đang hợp tác với gần 100 nghệ sĩ, nhận ký gửi, bảo vệ hơn 1000 bản ghi âm sáng tác của các hội viên, nhưng trong vài năm trở lại đây với sự phát triển bùng nổ của các nền tảng số, Hiệp hộp Công nghiệp Ghi âm Việt Nam cũng chưa thể bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của các nghệ sĩ hội viên.

Bà Phan Mộng Thúy – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam – chia sẻ về vấn đề này: “Khó khăn đó không chỉ của riêng Hiệp hội, của cá nhân hay pháp nhân nào đang kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số mà là khó khăn chung. Tất cả mọi người đều có quyền đăng tải lên, đều có quyền báo cáo, trình báo lẫn nhau. Do đó, đối với những người có ý đồ xấu, họ có thể lợi dụng khe hở để người ta sử dụng vào những mục đích không đúng”.

Ảnh minh họa

 

Nhạc sĩ Đỗ Bảo cho rằng: Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tránh tình trạng các sáng tác âm nhạc của mình bị người khác khai thác trái phép, các nhạc sĩ một mặt phải trau dồi, bổ sung kiến thức về Luật Bản quyền, mặt khác nên có sự ủy quyền cho các đơn vị bảo vệ quyền tác giả chuyên nghiệp, nơi có các chuyên gia về bản quyền âm nhạc trên môi trường số… Sự minh bạch trong khai thác bản quyền âm nhạc số phụ thuộc vào ý thức tự giác và hiểu biết về giới hạn của các quyền mà người tham gia sở hữu.

Về phía cộng đồng, cần phát huy ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, chỉ sử dụng các dịch vụ âm nhạc có bản quyền, nếu phát hiện hành vi vi phạm cần kịp thời cảnh báo tới cộng đồng cũng như cơ quan chức năng. Chỉ khi có hợp tác thiện chí giữa các tổ chức, cá nhân, ban, ngành liên quan và công chúng yêu nghệ thuật, vấn nạn vi phạm bản quyền tác giả, nhất là bản quyền trên môi trường số mới từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần tạo môi trường văn minh, lành mạnh cho hoạt động nghệ thuật.

TRANG DƯƠNG

Bạn đang đọc bài Bảo vệ tác giả từ “bẫy” bản quyền âm nhạc trên nền tảng số
tại chuyên mục Khoa học – Công nghệ.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT