web analytics

Bài toán thủ tục hành chính – cái nhìn từ hoạt đồng đầu tư 22/06/2019

(KDTT) – Là một Hãng Luật uy tín tại Hà Nội, Hãng Luật Anh Bằng (Anh Bang Law) thường xuyên tham gia giải quyết các vụ việc, giải quyết tranh chấp và tháo gỡ vướng mắc cho nhiều cá nhân, tổ chức, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp và thương nhân.

Trong quá trình làm việc, tiếp xúc với doanh nghiệp, trợ giúp doanh nghiệp về mặt pháp lý, Hãng luật Anh Bằng nhận thấy pháp luật luôn có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp yên tâm làm ăn và phần nào giúp doanh nghiệp giảm bớt được khó khăn như về ưu đãi cho thuê đất, hỗ trợ máy móc thiết bị, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp…. Tuy nhiên, con đường đi đến các chính sách ưu đãi của nhà nước, quá trình từ khi được cấp phép đến khi đưa dự án vào hoạt động là cả một thách thức khó khăn và gian nan mà điển hình là quy trình, thủ tục để thực hiện dự án đầu tư.

Từ thực tế các dự án đầu tư mà chúng tôi tham gia giải quyết cùng doanh nghiệp, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức để đưa dự án vào khai thác, sử dụng và kinh doanh. Chẳng hạn, với một dự án đầu tư Chợ hạng 1, có doanh nghiệp đã mất đến 07 năm mới có đủ giấy tờ, đủ thủ tục để tiến hành xây dựng công trình. Quá trình chuẩn bị hồ sơ, được xin cấp phép dài như vậy đã gây ra rất nhiều khó khăn, thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Với một dự án đầu tư ban đầu chỉ khoảng hơn 20 tỷ cùng cam kết tiến độ dự án hoàn thành trong hai năm thì đến khi hoàn thành đủ thủ tục để được thi công, đưa vào sử dụng được thì phải trải qua hai lần điều chỉnh đầu tư, số vốn bị đẩy lên cao gần 100 tỷ và thời gian hoàn thành cũng kéo dài đến 7 năm theo thủ tục hành chính.

Vậy do đâu mà nhà đầu tư phải “hao tổn” về tâm lực, tài lực nhiều như vậy? Bóc tách các thủ tục hành chính để đến được bước cuối cùng để đưa một khu chợ dân sinh vào sử dụng mới thấy được khó khăn của doanh nghiệp.

Trúng thầu từ năm 2008, đến đầu năm 2015 doanh nghiệp mà chúng tôi đã hỗ trợ mới được cấp giấy phép xây dựng để xây dựng và hoàn thiện công trình. Trong thời gian này, doanh nghiệp phải làm việc với hơn chục cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện gần 40 loại thủ tục hành chính để đáp ứng đầy đủ điều kiện, hồ sơ đầu tư. Một con số không hề nhỏ, đáng phải suy ngẫm hiện nay, khi mà cải cách thủ tục hành chính đang được nói từng ngày, từng giờ từ Đảng, Nhà nước đến các nhà là chính sách và người dân.

Thông thường, khi thực hiện một công trình xây dựng doanh nghiệp phải làm rất nhiều thủ tục như thủ tục thuê đất, xác định mốc giới, xác định đơn giá thuê đất, bàn giao cắm mốc, quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, xin cấp phòng cháy chữa cháy, làm bản vẽ thiết kế, đưa ra phương án kiến trúc, cấp giấy phép xây dựng….

Với nhiều công việc như vậy, doanh nghiệp phải liên hệ với rất nhiều cơ quan chức năng để hoàn thiện các loại giấy tờ. Nhiều loại giấy tờ, thủ tục như vậy, doanh nghiệp muốn làm nhanh cũng không được bởi các thủ tục có sự móc nối với nhau, phải có cái này rồi thì cái khác mới được duyệt. Chẳng hạn như doanh nghiệp cần phải được cho thuê đất rồi sau đó liên hệ với sở tài chính để xác định đơn giá thuê đất; nộp tiền thuê đất; tổ chức bàn giao đất trên bản đồ và ngoài thực địa, ký hợp đồng thuê đất; xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi được có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi, doanhh nghiệp mới thực sự có quyền trên mảnh đất đã thuê thì mới có đủ điều kiện để xin cấp phép xây dựng, làm các thủ tục về xây dựng và quy hoạch kiến trúc.

Để rồi khi có đầy đủ các loại giấy tờ trên doanh nghiệp mới có đủ điều kiện để xây dựng dự án đầu tư. Để hoàn thành đầy đủ các loại thủ tục này không thể chỉ hoàn thiện trong một tháng, hai tháng hay thậm chí là một năm. Thực tế, doanh nghiệp dù luôn chủ động thực hiện thì thời gian cũng phải là vài năm để hoàn thành thủ tục.

Nói chung, với nhiều loại thủ tục như vậy đã làm mất nhiều thời gian, công sức, cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Qua quá trình tham gia, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp gặp phải một số vấn đề sau từ thủ tục hành chính:

Thứ nhất, thời gian hoàn thiện dự án bị kéo dài.

Điều này là rất phổ biến đối với các chủ đầu tư khi thực hiện các dự án. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, trong đó có nguyên nhân là do thủ tục hành chính. Như có nói ở trên, có doanh nghiệp chúng tôi hỗ trợ dự tính tiến độ dự án trong hai năm nhưng đã qua hai lần thay đổi giấy chúng nhận đầu tư mà lý do để giải trình với Sở kế hoạch và đầu tư luôn là do thủ tục hành chính kéo dài, thời gian được cấp giấy phép xây dựng nên công ty cần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.

Một dự án đầu tư dự tính sẽ chỉ trong hai năm là đi vào hoạt động nhưng thực tế đến nay đã là 07 năm mà vẫn dự án vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.

Các dự án đầu tư nếu cứ kéo dài như vậy, không chỉ doanh nghiệp bị tổn thất mà cả nhà nước, người dân cũng bị thiệt hại. Đất đã thu hồi, doanh nghiệp đã sẵn sàng nhưng hồ sơ vẫn đứng im thì sự lãng phí vẫn diễn ra từng ngày.

Thứ hai, chi phí bị đẩy lên cao.

Thời gian bị kéo dài, sự rườm rà của các thủ tục khiến cho doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều chi phí. Trong thời gian dài như vậy, chi phí nhân công, vật liệu, trang thiết bị kỹ thuật cũng tăng cao, vốn đầu tư vì thế cũng lên cao.

Trường hợp mà chúng tôi đã tiếp cận, chủ đầu tư được nhà nước cho thuê đất nhưng đất lại “chưa sạch”, nghĩa là doanh nghiệp phải tự tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng. Thời điểm UBND phê duyệt mức bồi thường chỉ vài trăm nghìn đồng/m2 thì đến khi tổ chức bồi thường người dân không đồng ý, mức bồi thường đã lên đến một triệu đồng/m2.

Như vậy thì chủ đầu tư khá tốn kém để thực hiện dự án đầu tư. Bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư, có khi doanh nghiệp còn phải vay nợ để thực hiện nhưng thủ tục kéo dài, chi phí các loại tăng lên theo giá thị trường, thời gian hoàn thành dự án kéo dài vậy thì thời gian để thu hồi được vốn cũng lâu chưa tính đến để được thu lợi nhuận.

Thứ ba, lợi ích bị ảnh hưởng.

Khi thực hiện dự án đầu tư doanh nghiệp nhận được nhiều ưu đãi đầu tư theo Luật đầu tư và các luật liên quan như ưu đãi về thuê đất, miễn, giảm tiền thuê đất; miễn, giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp….

Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp chúng tôi được biết, chúng tôi giúp đỡ trong quá trình đề nghị được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật do doanh nghiệp bị “mất” đi quyền lợi chỉ vì các thủ tục hành chính.

Đơn cử như khi doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuê đất khi thực hiện dự án đầu tư. Khoản 2, điều 19 Nghị định 46/2014/NĐ-CP Quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước (Nghị định 46) quy định: “Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước

Nghị định quy định sau khi có quyết định cho thuê đất thì doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất.

Tuy nhiên, “ Người được Nhà nước cho thuê đất chỉ được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất sau khi làm các thủ tục để được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định. Trường hợp thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất nhưng người được Nhà nước cho thuê đất không làm thủ tục để được miễn, giảm tiền thuê đất thì phải nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp chậm làm thủ tục miễn, giảm tiền thuê đất thì khoảng thời gian chậm làm thủ tục không được miễn, giảm tiền thuê đất” (khoản 5, điều 12 Thông tư 77 hướng dẫn một số điều của Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước (Thông tư 77))

Thông tư 156/2013/TT- BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ (Thông tư 156) lại quy định để được miễn giảm tiền thuê đất, doanh nghiệp cần hoàn thiện đủ bộ hồ sơ trong đó phải có Giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp thực hiện dự án trong khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc diện không phải cấp Giấy phép xây dựng.

Như vậy, Nghị định 46 quy định doanh nghiệp sẽ được miễn tiền thuê đất kể từ khi có quyết định cho thuê đất, còn Thông tư 77 quy định chỉ khi hoàn thiện hồ sơ đầy đủ thì doanh nghiệp mới được hưởng.

Câu chuyện chỉ dừng lại ở đây thì không có gì để bàn cãi, nhưng khi bắt tay vào làm hồ sơ thực tế chúng tôi nhận thấy để hoàn thiện hồ sơ xin miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản thì doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ quy định, trong đó phải có giấy phép xây dựng. Chúng ta hiểu rằng kể từ khi có quyết định cho thuê đất, doanh nghiệp để được khai thác, sử dụng dự án cần làm rất nhiều các thủ tục, rồi đến sau cùng mới là xin cấp phép xây dựng. Vậy thì theo quy định Nghị định 46, doanh nghiệp hưởng ưu đãi miễn tiền thuê đất từ khi có quyết định cho thuê đất nhưng để hoàn tất thủ tục thì phải chờ đợi, phải theo đuổi đủ các loại giấy tờ mới có thể được hưởng. Vậy trong khoảng thời gian từ khi có quyết định cho thuê đất đến khi hoàn thiện hồ sơ cũng phải mất rất nhiều thời gian. Vậy thì cả quãng thời gian đó doanh nghiệp đương nhiên bị mất đi ưu đãi. Như vậy thì rất thiệt thòi cho doanh nghiệp bởi như chúng tôi đã đề cập ở trên có doanh nghiệp mất gần 7 năm mới đầy đủ các loại để đưa dự án vào hoạt động, chi phí từ dự kiến ban đầu từ 20 tỷ lên gần 100 tỷ vậy mà do sự mâu thuẫn hướng dẫn của luật, vì quy trình thủ tục dài dòng, phức tạp mà ưu đãi của doanh nghiệp cũng không được hưởng do thời gian theo quy định đã hết.

Đối với các dự án được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp vướng phải vấn đề mà chúng tôi đề cập tới.  Hầu như doanh nghiệp nào cũng giải trình do họ phải hoàn thành thủ tục hành chính.

Câu chuyện thủ tục hành chính không bao giờ là mới nhưng cũng chưa bao giờ là lỗi thời. Không chỉ các nhà làm chính sách thấy đau đầu mà các cá nhân, tổ chức trực tiếp tham gia cũng loay hoay không biết làm thế nào để thực hiện nhanh chóng và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình. Từ câu chuyện làm dự án mà chúng tôi đã tham gia đồng hành cùng doanh nghiệp, dưới góc độ của những người có nghiên cứu về pháp luật và thực hiện pháp luật trên thực tế chúng tôi nhận thấy rằng pháp luật cần căn cứ trên tình hình thực tế của doanh nghiệp để đưa ra các quyết sách phù hợp, bảo đảm đúng quyền lợi cho doanh nghiệp dễ dàng thực hiện trên thực tế. Khi doanh nghiệp cần xin cấp phép, trong phạm vi quyền hạn của mình giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp thì cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp thực hiện các loại thủ tục nhanh chóng. Các thủ tục cần được rút gọn, mỗi thủ tục cần được thực hiện nhanh chóng, minh bạch.

Chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong các kỳ họp của Quốc hội nhiều năm nay luôn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính là cấp thiết, gắn liền với phát triển, định hướng xã hội chủ nghĩa, cần rút gọn thủ tục hành chính nhưng thực tế còn nhiều thủ tục, giấy tờ, gây mất thời gian, công sức, tiền của, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Bởi vậy, từ tình hình thực tế các doanh nghiệp gặp phải, căn cứ vào các khó khăn thực tế đó, từ ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, nhà chính sách cần có những thay đổi rõ ràng và thiết thực hơn cho doanh nghiệp.

Theo KDPT