web analytics

Bài toán chống thất thoát nước sạch không còn “vô nghiệm” 05/07/2020

(KDTT) – Hiện nay tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch tại Việt Nam đạt 77,5 – 78%, nhưng tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân đô thị toàn quốc chiếm khoảng 28 – 29%. Trước tình hình biến đổi khí hậu và sự nóng lên của trái đất, vấn đề chống thất thoát nước sạch, giảm chi phí xử lý và ngăn ngừa thiệt hại khi sự cố rò rỉ đang là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia.

Thất thu từ sự thất thoát

Theo báo cáo Phát triển Nước Thế giới năm 2019 của Liên Hợp Quốc, cứ 10 người trên Trái đất thì có 3 người không được tiếp cận với nguồn cung cấp nước uống sạch đáng tin cậy, 6 người thiếu các biện pháp vệ sinh an toàn. Nghĩa là hơn 30% dân số thế giới, tương đương 2,4 tỷ người, sống mà không có bất kỳ hình thức vệ sinh nào. Nhu cầu về nước của con người dự kiến ​​sẽ tăng 20% ​​đến 30% từ nay đến năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng người không nhỏ đang phải sống trong môi trường ô uế, nơi không có hệ thống xử lý chất thải thích hợp, và bệnh tật có thể lây lan dễ dàng. Ví như đại dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh tầm quan trọng của việc vệ sinh tay bằng  nguồn nước sạch để ngăn ngừa sự lây nhiễm của vi-rút. Tuy nhiên, hàng tỷ người vẫn đang thiếu nước sạch và kinh phí không đủ để chi trả cho nguồn nước an toàn. Câu hỏi đặt ra, nguồn nước sạch có đang quá khan hiếm hay do ý thức sử dụng nước của mỗi người đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên này?

Mô hình kiểm soát thất thoát nước sạch sử dụng Máy đọc chỉ số thông minh. (Ảnh: LC Tech)

Tại Việt Nam, tỷ lệ thất thoát nước sạch vẫn khá cao trong năm vừa qua, bình quân 28-29%, cao hơn nhiều so với các nước tiên tiến và kể cả một số nước khác trong khu vực. Đây là một sự lãng phí lớn, đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội, môi trường và hiện đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Nhìn thấy rõ một thực tế, có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng thất thoát, thất thu nước sạch. Thất thoát nước tại các đơn vị cấp nước thường có hai nguyên nhân chính là thất thoát do nguyên nhân quản lý và thất thoát do nguyên nhân kỹ thuật. Hiện nay bất kì hệ thống cấp nước nào cũng đều bị thất thoát một lượng nước nhất định. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát nước trong đó chủ yếu là do nguyên nhân kỹ thuật như: rò rỉ trên mạng lưới tuyến ống cấp nước, thi công không đúng kỹ thuật, vỡ ống do đào đường, ăn cắp nước… trên thực tế cho thấy thất thoát nước phần lớn là do rò rỉ trên đường ống vì đường ống cấp nước được chôn ngầm dưới nền đất nên công tác tìm kiếm rò rỉ rất khó khăn.

Một bộ phận dân cư sử dụng nước theo phương thức khoán, chưa có đồng hồ đo nước. Gian lận trong sử dụng nước như tự ý đục phá đấu nối trái phép nguồn cấp nước, lấy nước từ đường ống thành phố hoặc từ họng cứu hỏa, dùng nước sạch để kinh doanh rửa xe, sản xuất dịch vụ… không đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng không đúng mục đích, dẫn đến lãng phí, thiếu ý thức tiết kiệm, lượng nước sử dụng lớn hơn nhiều lượng nước thanh toán. Mặt khác, tại các đô thị lớn vẫn còn sử dụng khá nhiều đồng hồ đo nước chất lượng kém, sai số lớn. Kết quả thử nghiệm cho thấy sai số của một số loại đồng hồ đo nước cũ lên tới 25%, trong khi các loại đồng hồ nước mới lại thiếu bảo trì, kiểm định định kỳ nên cũng gây thất thoát lớn.

Tại Việt Nam, công tác đầu tư chống thất thoát nước đòi hỏi nguồn vốn khá lớn. Bởi chưa kể vốn cho đầu tư giảm thất thoát thất thu nước sạch, hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho các công trình cấp nước đô thị chủ yếu từ nguồn ODA (một hình thức đầu tư nước ngoài) ngày càng hạn chế và không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư xây mới.

 “Chuông có đánh mới kêu/ Đèn có khêu mới tỏ”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kể từ năm 1990, khoảng 2 tỷ người đã được tiếp cận với nguồn nước bền vững, được cải thiện. Tuy nhiên, khoảng 800 triệu người vẫn sống mà không có nước uống an toàn. Đặc biệt, hơn 30% đa dạng sinh học toàn cầu đã bị mất do sự suy thoái của hệ sinh thái nước ngọt do ô nhiễm tài nguyên nước và hệ sinh thái dưới nước. Theo các chuyên gia, mỗi năm 730 triệu tấn nước thải và các chất thải khác được xả vào nước, công nghiệp thải ra 300 đến 400 megatons chất thải vào nước mỗi năm. Rõ ràng, ô nhiễm nước đang trở nên tồi tệ hơn trong vài thập kỷ qua, và câu chuyện thất thoát nước sạch có tương quan với mật độ dân số và tăng trưởng kinh tế khá nhiều. Dự kiến năm 2030 bên cạnh việc dân số thế giới gia tăng là sự thiếu hụt 40% tài nguyên nước ngọt khiến thế giới có thể rơi vào cuộc khủng hoảng nước toàn cầu. Nhận thấy thách thức ngày càng khan hiếm nước, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã phát động “Thập kỷ hành động về nước” vào ngày 22/3/2018, để huy động hành động sẽ giúp thay đổi cách con người quản lý nước. Các công ty cấp nước ở Đan Mạch kể từ năm 1994 đã phải trả một khoản phí phạt cho bất kỳ tổn thất nào về nước vượt quá 10% tổng phân phối của họ.

Rõ ràng trên thế giới, có nhiều quốc gia đã có các biện pháp quyết liệt để bảo vệ nguồn nước, cũng như giảm thiểu tối đa tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch

Đứng trước bài toán cấp bách về giải pháp chống thất thoát, thất thu nước sạch, ngành nước Việt Nam cũng đã và đang tập trung ưu tiên hơn cho việc đổi mới chính sách, thu hút các nguồn lực cho đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn lực, đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ mới. Ngày 24/11/2010 Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 2147/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025. Trong đó, mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân giảm còn 18% và đến năm 2025 chỉ còn 15%.

Một số doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp quản lý nước thông minh hướng tới cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0. Bắt nhịp với guồng quay này, Công ty công nghệ LC (LC Tech) đã cung cấp giải pháp công nghệ quản lý nước sạch diện rộng gồm ứng dụng máy đọc chỉ số thông minh, công nghệ truyền sóng LoRa, LPWAN,… Công nghệ của sản phẩm dựa trên sáng chế máy đọc chỉ số thông minh SWM dùng để đọc chỉ số nước, điện, gas, khí sử dụng công nghệ nhận dạng ký tự quang học OCR (Optical Character Recognition) để chuyển ảnh chụp các chỉ số cần đọc thành các số và chuyển về trạm trung chuyển (Gateway) bằng sóng vô tuyến sử dụng công nghệ LoRa tại dải tần không cần cấp phép dưới 1 GHz, từ đó truyền tiếp về trung tâm (Server) bằng sóng vô tuyến dạng 3G/4G hoặc kết nối qua đường truyền ADSL/kênh thuê riêng. Hoặc với Công nghệ LoRa, công ty đã sử dụng phương thức điều chế trải phổ CCS (Chirp Spread Spectrum) qua đó tận dụng toàn bộ băng thông kênh truyền LoRa với giá trị điển hình 125 KHz để truyền tín hiệu. Nhờ kỹ thuật điều chế này dẫn đến đặc tính ưu việt của công nghệ LoRa trong khả năng chống nhiễu cũng như ảnh hưởng của hiệu ứng Doppler và hiệu ứng đa đường.

Chia sẻ về các giải pháp công nghệ để giải quyết tình trạng thất thoát nước sạch này, ông Nguyễn Thành Công – Giám đốc của LC Tech cho biết: “Hiện nay sản phẩm đã được chứng minh là có tính khả thi để đưa vào thị trường nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho cộng đồng. Giải pháp công nghệ cũng được tin dùng và triển khai thực tế để giám sát quản lý thiêu thụ nước bởi công ty Sumitomo Heavy Industry tại nhà máy trong khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội.”

Ông Nguyễn Thành Công – Giám đốc của LC Tech. (Ảnh: NVCC)

Có một thực trạng, giá nước tại các đô thị chưa được tính đúng tính đủ, chưa đảm bảo cho doanh nghiệp cấp nước tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như chưa có tích luỹ để tái đầu tư. Nhưng giải pháp về kỹ thuật cũng như quản lý vận hành của Công ty công nghệ LC có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng công nghệ, thiết bị mới. Khách hàng sử dụng công nghệ này hướng đến các công ty cấp nước, chủ đầu tư bất động sản, tòa chung cư; các công ty và tổ chức sản xuất, kinh doanh; hộ dân tiêu dùng nước. Giá trị vượt trội của sản phẩm là không can thiệp vào hệ thống hiện tại, lắp đặt nhanh chóng, gọn nhẹ, giá thành rẻ phù hợp với đa số người dân.

Có thể nói, việc phân vùng tách mạng hệ thống cấp nước, đưa công nghệ vào quản lý là giải pháp tốt nhất hiện nay nhằm giảm thiểu thất thoát thất thu nước sạch. LC Tech đã dựa trên các ứng dụng khoa học kỹ thuật, công tác quản lý vận hành phòng chống thất thoát đang được tiến hành thông qua việc xây dựng hệ thống quản lý, giám sát và thu nhập dữ liệu bằng việc ứng dụng các thiết bị mới như phát hiện rò rỉ bằng các thiết bị dò tìm sóng âm, sử dụng đồng hồ đo áp lực lưu lượng bằng điện từ. Vì vậy việc xác định tỷ lệ thất thoát và đánh giá cũng như xử lý sẽ được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Việc tích hợp công nghệ 4.0 vào các ngành công nghiệp là xu thế tất yếu của xã hội hiện nay. Với những cải tiến vượt trội, dựa trên nền tảng công nghệ số và các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, công nghệ 4.0 sẽ là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển bền vững của ngành nước Việt Nam, bao gồm cả cấp thoát nước, lọc nước và xử lý nước thải. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp thiết kế cũng như việc áp dụng công nghệ mới nhằm giảm thiểu thất thoát nước sạch làm căn bản, một trong những yếu tố quan trọng vẫn là nhận thức của người sử dụng cũng như của người quản lý về phòng chống thất thoát nước.

Theo KDPT