web analytics

Bạc Liêu: Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế năm 2020 07/10/2020

(KDTT) – Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến phát triển sản xuất – kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Nhiều lĩnh vực thế mạnh giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh đã rất nỗ lực duy trì sản xuất và tiếp tục giữ được các thị trường xuất khẩu truyền thống. Trong 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2020.

Xử lý tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú, Gía Rai, Bạc Liêu.

Mặc dù xuất khẩu thủy sản là thế mạnh kinh tế của tỉnh, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 3 quý đầu của năm 2020 lĩnh vực này lại tăng ít so với cùng kỳ và kim ngạch xuất khẩu chỉ thực hiện được hơn 517 triệu USD, đạt 64,63% so với kế hoạch.

Riêng mặt hàng gạo, đến tháng 9/2020 vẫn chưa có hàng xuất khẩu do Công ty Lương thực Bạc Liêu chủ yếu xuất khẩu gạo theo hợp đồng của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và vừa mới thực hiện cổ phần hóa, đang trong quá trình ổn định tổ chức bộ máy, hoạt động SXKD cầm chừng và Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc vẫn là đơn vị cung ứng xuất khẩu cho Tập đoàn Lộc Trời.

Đối với hoạt động thương mại – dịch vụ, tuy ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng hàng hóa trên địa bàn khá phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 9 tháng năm 2020 thực hiện trên 41.857 tỷ đồng, đạt 53,66% so với kế hoạch.

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đã rất nỗ lực duy trì sản xuất và tiếp tục giữ được các thị trường xuất khẩu truyền thống như: Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông… Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020, điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường xuất khẩu vào thị trường châu Âu trong thời gian tới.

Để hoàn thành các chỉ tiêu và kế hoạch năm, Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu sẽ theo dõi sát, kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp về tình hình thông quan tại các cửa khẩu với Trung Quốc và tình hình đẩy mạnh nhập khẩu của các quốc gia khác khi Covid-19 qua đi, nhằm giúp các doanh nghiệp biết và chủ động trong hoạt động SXKD; Đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong SXKD.

Trong đó, chú trọng đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ cho SXKD, đặc biệt là sản xuất hàng hóa xuất khẩu; tích cực làm việc với các ngành chức năng và các địa phương để phối hợp thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển SXKD; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; tích cực tranh thủ các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia củ.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới vào các thị trường mới, nhằm đa dạng hóa mặt hàng và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào một thị trường; tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong tỉnh tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của tỉnh

Bên cạnh đó, ngành chức năng sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư để huy động mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh. Quan tâm mời gọi đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ; chú trọng đầu tư các chợ trên những địa bàn chưa có chợ và các chợ nằm trên địa bàn trọng điểm xây dựng nông thôn mới. Tích cực thực hiện sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, nhằm góp phần giảm nhập khẩu, khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước, kích thích sản xuất phát triển; tổ chức các hội chợ thương mại, các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, đưa hàng Việt chất lượng cao về phục vụ đời sống và sản xuất của Nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn.

LÂM KHANH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT