web analytics

An toàn nguồn nước: Cần phải đồng bộ từ cơ quan quản lý đến ý thức người dân 23/10/2019

(KDTT) – Vấn đề an toàn nguồn nước sau sự cố ô nhiễm nước sông Đà được các Đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Nhiều đại biểu đề xuất tăng cường các phương án quản lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa trao đổi bên hành lang kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp:

Thời gian qua, việc quản lý tài nguyên nước vẫn còn nhiều vấn đề khi để xảy ra các sự cố không mong muốn. Đơn cử như vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà vừa qua cho thấy còn nhiều điều bất cập. Sự cố làm ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân, phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Điều đáng nói là đến  khi người dân có ý kiến thì chính quyền mới vào cuộc.

Điều quan trọng nhất hiện nay là cần đặt vấn đề sức khoẻ người dân lên trên hết, không ai có quyền vi phạm và làm ảnh hưởng. Với các vi phạm, cần phải tuỳ theo mức độ để xử lý, có thể xử lý hình sự hoặc phạt hành chính để đảm bảo an toàn nguồn nước và tạo niềm tin nơi người dân. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm chung của chính quyền địa phương trong việc phải đảm bảo an toàn cho người dân, quan tâm nhiều hơn nữa đến sức khoẻ người dân.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị:

Sự cố ô nhiễm nguồn nước sống Đà vừa qua không chỉ là vấn đề nước sạch mà còn là an ninh quốc gia vì nó liên quan tới sinh mạng của hàng triệu người dân. Không chỉ tại Hà Nội, mà tới đây tất cả các đơn vị cung cấp nước sạch ở các thành phố cần phải được tổng rà soát quá trình xử lý cung cấp và bảo đảm an toàn của nguồn nước sạch cho người dân. Không để khi sự cố xảy ra, chúng ta mới nhìn nhận vấn đề và rà soát lại các quy trình, trách nhiệm của các cơ quan cung cấp nước sạch cho người dân. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra đánh giá sát sao để khắc phục sự việc bằng một hành lang pháp lý và quy trình chặt chẽ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình:

Vấn đề nước sạch và môi trường là vấn đề Chính phủ, Quốc hội và người dân đều rất quan tâm. Để hạn chế các sai phạm cần có sự đồng bộ từ Chính phủ đến ý thức từng người dân. Việc đổ chất thải vào nguồn nước sông Đà như vừa qua là do ý thức của người dân; nếu người dân không có ý thức thì các cơ quan quản lý dù tích cực đến mấy cũng khó mà bảo vệ được.

Trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn nguồn nước, Chính phủ, các cơ quan quản lý cần phải có những giải pháp thật tích cực; từng cơ quan doanh nghiệp đến các cơ sở có liên quan đến nước sạch cũng phải có giải pháp quản lý chặt, phát hiện xử lý, truy tố để răn đe các đối tượng vi phạm. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền xây dựng ý thức người dân; từng ngành, lĩnh vực, địa phương cần phải có cam kết giữa từng cá nhân và tổ chức trong đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường. Đồng thời, người dân phải luôn cảnh giác, phát hiện hiện để báo với các cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm.

Tạ Nguyên
Theo Báo Tin tức