web analytics

An Giang: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa 29/09/2020

(KDPT) – Vừa qua, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang lựa chọn để thực hiện Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao (CNC). Nhờ áp dụng CNC vào sản xuất lúa, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa đã liên kết được với nhiều doanh nghiệp để tiêu thụ lúa, giúp thành viên nâng cao thu nhập.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa được thành lập vào cuối năm 2017 với 60 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực lúa – gạo, với diện tích sản xuất lúa khoảng 100 ha. Ngoài ra, HTX còn liên kết với nhiều nông dân trên địa bàn sản xuất lúa với diện tích khoảng 200 ha. Trong Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng CNC, HTX có 7 ha được lựa chọn thí điểm sản xuất lúa ứng dụng CNC và hiện đã nhân rộng thêm 30 ha.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa cho biết, khi sản xuất lúa ứng dụng CNC, nông dân sẽ được hỗ trợ 40% tiền lúa giống, phân trong 1 vụ; đồng thời, được hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật trị giá 500.000 đồng.

Để triển khai Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng CNC, HTX được Sở NN&PTNT Tiền Giang hỗ trợ 1 máy cấy lúa. Việc sử dụng máy cấy lúa giúp nông dân giảm lượng lúa giống so với cách gieo sạ thông thường, trung bình 1 ha lúa sử dụng máy cấy chỉ tốn 50 kg lúa giống. Bên cạnh đó, nông dân còn được hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa mới của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh.

Ông Nhẫn chia sẻ thêm, năng suất của lúa sử dụng máy cấy cao hơn so với phương pháp gieo sạ thông thường. Mặt khác, khi cấy theo hàng, nông dân sẽ dễ dàng khử lẫn các loại giống khác, đáp ứng yêu cầu về chất lượng lúa giống. Ngoài ra, nông dân còn được hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa mới của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh.

Ngoài sản xuất lúa ứng dụng CNC, HTX còn kết hợp với mô hình sản xuất lúa sạch (không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật). Khi tham gia sản xuất lúa sạch, thành viên sẽ được sử dụng phân bón lá miễn phí; HTX thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 300 đồng/kg.

Theo ông Nhẫn, HTX sản xuất lúa sạch đến nay được 4 năm, diện tích khoảng 50 ha. Trong quá trình thực hiện Dự án, HTX cùng các thành viên đã cải tiến kỹ thuật cho phù hợp, từ đó năng suất lúa tăng từ bằng đến hơn so với sản xuất truyền thống. Đối với giống lúa Nàng hoa 9, trung bình năng suất lúa đạt khoảng 6 tấn/ha. Trung bình khi tham gia sản xuất lúa sạch, thành viên sẽ thu lãi cao hơn so với sản xuất theo kiểu truyền thống khoảng 6 triệu đồng/ha.

Hiện, HTX đang liên hệ với các ngành chức năng để sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì. Ngoài cung ứng lúa gạo cho các đối tác, HTX mong muốn xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình để cung ứng cho thị trường, hướng tới xuất khẩu. Bởi chất lượng gạo của HTX qua test thử đã đạt chuẩn sạch, có thể xuất khẩu.

Cũng theo ông Nhẫn, trong vụ lúa tới đây, HTX sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa sạch kết hợp ứng dụng CNC lên 100 ha; bởi đã có doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa sạch của HTX. Bên cạnh đó, HTX đang hướng đến xây dựng thương hiệu gạo cho đơn vị để tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

HOÀNG HẢI