web analytics

AGIFISH: Đổi mới là chìa khóa vàng lấy lại thương hiệu 14/06/2020

(KDTT) – Từng nhiều năm đảm trách vai trò là “lá cờ đầu” trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản tại tỉnh An Giang, là cổ phiếu “nóng” nhất cho giới đầu tư lướt sóng,, song Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGIFISH) trong khoảng 3 năm gần đây lại gặp muôn vàn khó khăn khi các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều giảm.

Cụ thể, giai đoạn 2017 – 2018, doanh nghiệp này chịu lỗ gần 200 tỷ đồng mỗi năm, năm 2019 chịu lỗ hơn 250 tỷ đồng. Đáng tiếc hơn nữa, vào tháng 2/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) có văn bản về việc huỷ niêm yết bắt buộc đối với trên 28 triệu cổ phiếu AGF của AGIFISH. Lý do bị huỷ niêm yết là vì doanh nghiệp này “chậm nộp báo cáo tài chính 03 năm liên tiếp”, vi phạm khoản 1, Điều 60, Nghị định 58 của Chính phủ và khoản 1, Điều 26, “Quy chế Niêm yết Chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh”.

Quyết định hủy niêm yết cổ phiếu AGIFISH có thể xem là “dấu chấm hết” cho một trong những mã cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ở một góc độ khác, việc cổ phiếu AGF của AGIFISH bị buộc rời khỏi cuộc chơi đã để lại tiếc nuối cho giới đầu tư An Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao một doanh nghiệp từng được ví như “ngôi sao sáng” trong ngành thủy sản lại “lao dốc” nhanh chóng đến thế? Khi AGF đã kết thúc sứ mệnh của mình theo cách thất vọng nhất như vậy, liệu AGIFISH có thể đứng vững trước khủng hoảng, vực lại “đế chế” hùng mạnh một thời hay không?

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, AGIFISH thất bại có thể do doanh nghiệp này là “nạn nhân” của các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Cần nhìn nhận rằng, với thế mạnh và tiềm năng nổi trội, đặc biệt là việc AGF được đưa lên niêm yết trên HOSE vào ngày 2/5/2002 với giá chốt phiên chào sàn đạt 30.000 đồng/CP, AGIFISH đã khiến các “ông lớn” để tâm vạch chiến lược cho các thương vụ M&A.

Sau này, việc Công ty CP Hùng Vương (HVG) chủ động chào mua công khai cổ phần tại AGF và hoàn tất việc nâng sở hữu tại AGF lên 51% vào tháng 1/2010, đã tạo nên những xáo trộn khởi đầu cho chuỗi các biểu hiện “lao dốc không phanh”. Đặc biệt là năm 2014, Công ty CP Xuyên Thái Bình (PAN) bán hết 5,2 triệu cổ phiếu AGF (tương đương 20,53% vốn điều lệ) và HVG tiếp tục mua thêm và nâng sở hữu hơn 20,3 triệu CP (tương đương 79,58% vốn điều lệ), điều này đã khiến AGF càng lao dốc nhanh hơn.

Trụ sở Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang. Ảnh: Kim Giang.

Sau các thương vụ M&A, AGIFISH gặp khó khăn lớn hơn khi ngân hàng siết chặt vốn vay, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn vốn cho sản xuất, thiếu thức ăn cho vùng nuôi, thiếu sản lượng cung cấp cho các nhà máy chế biến. Gần đây, doanh nghiệp liên tiếp bị lỗ ở mảng cá tra nguyên liệu, thêm vào đó là giá cả trên thị trường thế giới cạnh tranh, nguồn thu tài chính giảm vì không còn nguồn thu từ thanh lý các công ty con nên lãi xuống thấp…

Sau khi HoSE có văn bản về việc huỷ niêm yết bắt buộc đối với trên 28 triệu cổ phiếu AGF của AGIFISH (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17/02; ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu AGF trên sàn là ngày 14/02), Hội đồng quản trị của AGIFISH cũng dự liệu tổ chức niêm yết cổ phiếu AGF lên sàn UPCoM. Hành trình mới của AGF trên UPCoM cũng không dễ dàng bởi muôn vàn khó khăn doanh nghiệp đang phải đối mặt ở phía trước, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-2019 chưa có dấu hiệu lắng dịu tại Trung Quốc, một trong những thị trường xuất khẩu chính của AGF.

Vì thế, trong giai đoạn sắp tới, AGIFISH cần xác định đó là một giai đoạn cực kỳ khó khăn. AGIFISH cần tận dụng tốt những kinh nghiệm đã có, tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực sản xuất cá giống, công nghệ chế biến thủy sản và phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng chế biến từ cá basa, cá tra. Đồng thời, cần bắt đầu lại việc xây dựng văn hóa, đổi mới sáng tạo và khao khát thành công trong doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, đổi mới chính là chìa khóa vàng cho tăng trưởng, giúp AGIFISH lấy lại niềm tin thương hiệu, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển trở lạ

Theo KDPT