web analytics

90% người Việt tin vào biện pháp ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’ 12/03/2020

(KDTT) – Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường IpSOS, hơn 90% số người Việt được hỏi cho rằng việc cách ly toàn bộ thành phố, thị trấn theo kiểu ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’ khi có nhiều ca nhiễm COVID-19 là phản ứng đúng đắn. Tỷ lệ này ở các nước phát triển dao động từ 60-78%.

Công ty nghiên cứu thị trường lớn thứ 3 thế giới IpSOS đã thu thập dữ liệu khảo sát trực tuyến người dân các quốc gia về những quan điểm và phản ứng của họ trước tình hình dịch bệnh COVID-19. Tính đến nay, họ đã thực hiện 3 cuộc bình chọn lớn, mỗi cuộc chỉ diễn ra trong ít ngày.
Báo cáo đầu tiên khảo sát trên 8.000 người ở 8 quốc gia (Nhật, Úc, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nga) trong ba ngày 7-9/2 cho thấy nhận thức về virus khá cao. Người dân chưa coi đó là mối đe dọa đến bản thân nhưng hầu hết lo ngại rằng coronavirus vẫn đang là mối đe dọa toàn cầu; chỉ 1/5 cho rằng các ổ dịch virus được kiểm soát. Nhân viên y tế được tin tưởng cao nhất để đối phó với dịch bệnh, và cũng là nguồn cung cấp thông tin quan trọng nhất. Về hành động, phần lớn người khảo sát (66%) đều ủng hộ mạnh mẽ các động thái quan trọng để kiểm soát virus như cấm đi lại từ nước nhiễm dịch (vd Trung Quốc) hoặc bắt buộc cách li người có khả năng nhiễm.
Báo cáo tiếp theo khảo sát trên 9.000 người ở 9 quốc gia (Nhật, Úc, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nga, Ý) trong hai ngày 14-15/2 cho thấy một nửa số người khảo sát coi virus này là mối đe dọa với thế giới và đa số các quốc gia tin rằng sẽ mất vài tháng hoặc lâu hơn để ngăn chặn dịch. Ngược lại, mức độ nhận thức về mối đe dọa cá nhân vẫn ổn định hoặc giảm nhẹ so với khảo sát trước, ngoại trừ Nhật Bản, nơi cứ 4 người thì có 1 người coi dịch bệnh này là mối đe dọa cao hoặc rất cao đối với cá nhân họ. Tại khảo sát lần 2 này, 60-85% người được hỏi đồng ý rằng dịch coronavirus có tác động tới thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.
Báo cáo lần thứ 3 mới nhất được khảo sát trên 10.000 người ở 10 quốc gia (Nhật, Úc, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nga, Ý, Việt Nam) trong hai ngày 28-29/2. Khi được hỏi tại sao virus đến được nước họ, đa số tin rằng điều này là do không thể dự đoán được virus sẽ lây lan như thế nào, thay vì do các cơ quan chính phủ thiếu hành động phòng ngừa. Phần lớn mọi người ủng hộ hành động cách li thành phố và thị xã. Người dân đã có dấu hiệu tích trữ và tránh hành vi tiếp xúc. Số liệu cũng cho thấy sự gia tăng lo ngại rằng corona virus sẽ tác động tới tài chính cá nhân và mối đe dọa cao tới đất nước họ.
Việt Nam xuất hiện trong khảo sát lần 3 này, với hơn 1.000 người được khảo sát. 78% số người Việt được hỏi đồng tình rằng dịch bệnh gây tổn thất tài chính đến bản thân và gia đình họ. 63% cho rằng nó đang đe dọa cao tới quốc gia. Chỉ gần 30% cho rằng sự xâm nhập của virus là do chính quyền thiếu biện pháp kiểm soát trong khi 70% còn lại cho rằng bởi việc lây lan quá khó dự đoán.
Đặc biệt, hơn 90% số người Việt được hỏi cho rằng việc cách ly toàn bộ thành phố, thị trấn theo kiểu ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’ khi có nhiều ca nhiễm COVID-19 là phản ứng đúng đắn với rủi ro. Tỷ lệ này ở các nước phát triển còn lại dao động từ 60-78%.
Lưu ý là trong khi mẫu khảo sát của 8 nước còn lại phản ánh mặt bằng dân số trưởng thành nói chung, thì mẫu khảo sát của Việt Nam và Nga có nhiều người đến từ thành thị, trình độ học vấn cao hơn hoặc giàu có hơn so với dân số nói chung, do vậy nên được coi là phản ánh quan điểm của một phân khúc dân số. Tuy nhiên, các dữ liệu đã được tính trọng số để đảm bảo phản ánh đúng nhất hồ sơ nhân khẩu học theo dữ liệu điều tra dân số mới nhất.