web analytics

78% dự án bất động sản bị rà soát ở TP HCM hoạt động trở lại 09/05/2019

(KDTT) – Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM diễn ra ngày 08/05/2019, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong 2 năm qua, thành phố có hơn 150 dự án nhà ở và khu phức hợp bị “đóng băng” tiến độ không thể triển khai.

124 trong số 150 dự án tại TP HCM thuộc diện rà soát sẽ được hoạt động bình thường trở lại.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM diễn ra ngày 08/05/2019, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong 2 năm qua, thành phố có hơn 150 dự án nhà ở và khu phức hợp bị “đóng băng” tiến độ không thể triển khai.

Những dự án này đình trệ vì nằm trong diện bị rà soát, thanh tra, các thủ tục pháp lý liên quan chưa được xem xét, giải quyết kịp thời. Không ít doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì đọng vốn, tồn kho, thậm chí phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức.

Song hiện nay, theo tiết lộ của HoREA, các cơ quan có thẩm quyền trung ương và lãnh đạo TP.HCM đã gỡ nút thắt này dể cho phép 124 dự án, chiếm 78% trên tổng số và hơn 150 dự án bị rà soát, được hoạt động trở lại bình thường.

124 trong tổng số hơn 150 dự án bị rà soát tại TP.HCM đã hoạt động trở lại bình thường – Nguồn: Internet

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, thông tin này sẽ tạo nhiều hiệu ứng tích cực cho thị trường địa ốc từ nay đến cuối năm 2019 và xa hơn là năm 2020.

Thứ nhất, tin vui này giải tỏa phần lớn khó khăn của nhà đầu tư, doanh nghiệp do dự án bị ách tắc, thúc đẩy các dự án này nhanh chóng triển khai và về đích.

Thứ hai những dự án chưa bán sẽ từng bước hoàn thiện pháp lý, hội tụ đủ điều kiện mở bán, gia tăng thêm nguồn cung mới cho thị trường nhà ở. Những dự án nào đã mở bán rồi nhưng bị đình trệ sẽ không bị hồi tố và tái khởi động, người mua (khách hàng) sẽ được yên tâm về pháp lý của tài sản.

Thứ ba, khi guồng quay các dự án bất động sản vận hành tốt, rút ngắn được thời gian làm thủ tục pháp lý, doanh nghiệp giảm được chi phí lãi vay, giảm thiểu được rủi ro trong quá trình đầu tư, hàng hóa nhanh chóng được đưa ra thị trường nên giá thành sản phẩm sẽ ít bị đẩy lên do sự khan hiếm và độc quyền.

Ông Châu cho biết thêm, hệ quả to lớn khi các dự án này được vận hành vào guồng trở lại là thị trường bất động sản TP HCM sẽ duy trì được vị thế và sức hấp dẫn trong năm 2019 như trước đây. Trên cơ sở đó, nguồn thu ngân sách từ đất mang về cho thành phố cũng có cơ hội gia tăng trở lại.

Trước đó, nguồn thu ngân sách của TP.HCM từ bất động sản liên tục lao dốc. Thu ngân sách TPHCM đối với tiền sử dụng đất năm 2018 giảm 22,5%. Hai tháng đầu năm 2019, ngân sách giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nợ thuế trong 2 tháng đầu năm trên địa bàn TP HCM lên đến 10.110 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2018, trong đó, các khoản nợ liên quan tới đất là 1.370 tỷ đồng, chiếm 14%, và đã có đến 76 doanh nghiệp xây dựng bất động sản nợ thuế tổng số tiền sử dụng đất gần 800 tỷ đồng.

R.N
(Hợp tác phát triển nội dung cùng Rubix International)

Theo: kinhdoanhvaphattrien.vn