web analytics

75% người Việt vừa thức dậy là vớ lấy điện thoại 18/09/2019

(KDTT) – Theo báo cáo cho năm 2019 của Tổ chức We are social, thời lượng sử dụng mạng xã hội (MXH) bình quân của người Việt là 2 giờ 32 phút/ngày (thế giới trung bình là 2 giờ 16 phút/ngày).

“Thời lượng sử dụng MXH của người Việt cao hơn hẳn so với các nước phát triển, nhưng đây cũng là một xu hướng chung” – ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, nhận định.

Vừa thức dậy, 75% vớ lấy điện thoại

Việt Nam xếp thứ 7 trong số 10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới. Đối với YouTube, Việt Nam nằm trong 10 nước đứng đầu thế giới về lượng người dùng.

Theo kết quả khảo sát về hành vi sử dụng điện thoại di động của người Việt do Apota công bố, tính năng được người Việt sử dụng nhiều nhất trên smartphone là… lên MXH. Trong một ngày, lên MXH là tính năng được sử dụng nhiều nhất với 89%, trong một tuần là 78%, vượt xa việc sử dụng vào các tính năng khác.

Trong số 8 ứng dụng đang được người Việt dùng nhiều hằng ngày thì chủ yếu là ứng dụng MXH, ứng dụng MXH cũng chiếm hàng đầu trong số các ứng dụng mới được cài đặt của người Việt.

Apota cũng cho hay có tới 75% người Việt chào ngày mới bằng cách vớ lấy điện thoại di động trong vòng 15 phút ngay sau khi thức dậy.

Là người nghiên cứu về sử dụng MXH và chủ trì xây dựng bộ “Quy tắc ứng xử trên MXH”, ông Đỗ Quý Vũ – phó viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và truyền thông) – cho hay xu hướng người dùng MXH ở Việt Nam đang có sự thay đổi.

Theo thống kê của We are social, hiện tại ở Việt Nam nhóm tuổi đông đảo nhất sử dụng MXH như Facebook đang là nhóm 25 – 34 tuổi, nhóm người dùng 45+ đang là nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất, nhóm này tăng lên 60% trong năm qua, trong khi đó nhóm từ 13 – 24 tuổi đang có tốc độ tăng trưởng chững lại”.

Thực tế này cho thấy nhóm sử dụng MXH nhiều nhất hiện nay ở Việt Nam chính là nhóm đang trong độ tuổi lao động, làm việc.

Vấn nạn toàn cầu

Ông Vũ cho rằng MXH có những ưu điểm mà chúng ta cần nhìn nhận khi đánh giá mức độ “nghiện” sử dụng MXH của người Việt. “MXH không tốt cũng chẳng xấu, mà tốt hay xấu phụ thuộc vào cách mà ta sử dụng nó” – ông Đỗ Quý Vũ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, MXH cũng đang trở thành môi trường thuận lợi để thông tin xấu độc, gây hại, những phát ngôn thù ghét phát triển tác động đến xã hội ngày càng nghiêm trọng.

“Đặc biệt, nạn tin giả xuất hiện ngày càng nhiều, gây chia rẽ, phân tán trong xã hội. Khá nhiều người lựa chọn MXH là nơi để bày tỏ quan điểm cá nhân mình về người khác, nói xấu, công kích, miệt thị người khác, thậm chí đưa thông tin sai lệch để vùi dập người khác. Điều này đã gây tác động tiêu cực, gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức, đe dọa đến lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng” – ông Đỗ Quý Vũ đánh giá.

Ông Dương Khánh Dương, Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, chia sẻ thêm đây không chỉ là vấn nạn ở Việt Nam mà ở toàn cầu. Rất nhiều người đang sử dụng MXH như một công cụ tạo ra quyền lực của mình bằng việc đưa tin giả.

Ông Dương phân tích thêm: nhiều người dùng MXH hiện nay đang nhầm lẫn ranh giới giữa phản biện cá nhân với tấn công cộng đồng khi đưa ra những bình luận, phát ngôn bôi nhọ, nói xấu tạo nên sự thù ghét.

“Ngoài ra, nhiều người dùng cho rằng MXH là không gian đối thoại mở, không có vùng cấm và vô luật nên mọi người có thể dễ dàng, tự do đưa ra các phát ngôn bình luận mà không bị cấm hay hạn chế về điều đó” – ông Dương nhận xét.

Ông Phạm Trung Tuyến – phó giám đốc kênh VOV Giao thông, đồng thời là một KOL (người có tầm ảnh hưởng) trên MXH – cho rằng khi MXH chưa trở nên phổ biến, rất nhiều người vốn dĩ ít có cơ hội bày tỏ chính kiến, quan điểm, thể hiện bản thân với cộng đồng. Họ đến với MXH một cách đầy hào hứng, bởi ai cũng nhìn thấy MXH là một công cụ giúp mình dễ dàng thể hiện bản thân hơn, thấy tiếng nói của mình có quyền lực hơn.

Dĩ nhiên, một cách người ta dễ dàng say mê MXH vì cảm giác đó, và họ vô thức nghĩ đến việc “nuôi” MXH bằng những nội dung chia sẻ cá nhân. Có người tạo ra các câu chuyện giật gân bằng mọi cách, có người tìm kiếm và chia sẻ những thông tin giật gân sẵn có”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cảnh báo về tình trạng đăng và chia sẻ những thông tin quảng cáo tràn lan, sai sự thật ồ ạt trên MXH tại Việt Nam trong thời gian qua.

Trong đó, có rất nhiều người dùng MXH là cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp vì lợi nhuận kinh doanh đã lợi dụng MXH quảng cáo mặt hàng bị cấm, hàng giả, hàng nhái, sản phẩm liên quan tới sức khỏe người tiêu dùng.

Vào mạng xã hội: người Việt gấp 3 người Nhật

Theo khảo sát của Công ty Global Web Index có trụ sở tại London (Anh) về các xu hướng mới nhất trên MXH trong quý 1-2019, Việt Nam đứng thứ 21/45 thị trường có thời gian vào MXH mỗi ngày nhiều, trung bình 2 giờ 23 phút/ngày (bằng với Morocco), Trung Quốc 2 giờ 19 phút/ngày. Các nước có tỉ lệ dùng MXH tới hơn 4 giờ/ngày có Nga, Argentina, Philippines và Colombia.

Quốc gia có thời gian dùng MXH ít nhất là Nhật Bản với 45 phút/ngày. Các nước châu Âu như Đức, Áo, Bỉ, Thụy Sĩ, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha… đều thuộc nhóm ít dùng MXH nhất trong bảng này.

Theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) cho thấy các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng MXH tại Việt Nam thể hiện tập trung: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)…

Theo Báo Tuổi trẻ online