Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: 6 tháng qua, Bộ đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa. Nhiều di tích tiếp tục được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch. Ban hành Quyết định xếp hạng 30 di tích quốc gia; cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ tại 15 địa điểm. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm, đẩy mạnh. Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” cho 62 cá nhân và “Nghệ nhân ưu tú” cho 561 cá nhân đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân nhân dân” cho 04 cá nhân và “Nghệ nhân ưu tú” cho 09 cá nhân. Thêm 17 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hoá (DSVH) phi vật thể quốc gia.

Đình Chèm, thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
vừa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Ảnh: Báo HNM)

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trong thời gian qua cũng được duy trì và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, cổ động nhân dịp các ngày lễ lớn, kỷ niệm của đất nước và chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được tập trung chỉ đạo với các giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động lễ hội trên cả nước. Lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số diễn ra sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng, với nhiều hoạt động phong phú. Cả nước hiện đã có 54 tỉnh, thành phố ban hành quy hoạch quảng cáo; các địa phương đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường, đảm bảo đúng quy định, kiểm tra chấn chỉnh kịp thời các sai phạm. Các địa phương nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép các tiêu chí trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Công tác xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện. Xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số. Tổ chức thành công Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, tuyến biên giới Việt Nam-Lào; tổ chức các lớp tập huấn, mở các lớp trao truyền văn hóa phi vật thể tại các địa phương.

Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương việc tổ chức Ngày sách Việt Nam lần thứ VI; các hoạt động kỷ niệm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách – Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hoạt động sự nghiệp của thư viện đã có nhiều đổi mới, tích cực chủ động, sáng tạo triển khai các dịch vụ mới, đẩy mạnh hiện đại hóa thư viện từng bước đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân tại địa phương, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Công tác lập đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi); xây dựng Đề án “Quảng bá du lịch thông qua các hoạt động điện ảnh” được tập trung triển khai. Tổ chức các đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, lịch sử của đất nước. Các doanh nghiệp sản xuất phim tư nhân năng động đầu tư vốn sản xuất phim, tạo ra nhiều tác phẩm phong phú về thể loại, đề tài; mặt bằng chất lượng phim được nâng cao, một số phim tư nhân đạt doanh thu cao (khoảng 200 tỷ đồng).

Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được thực hiện nghiêm túc; việc thẩm định cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn theo đúng trình tự, quy định. Tập trung xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; phối hợp tổ chức thành công Liên hoan các ban nhạc toàn quốc 2019, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019, Liên hoan Âm nhạc ASEAN 2019.

Ở lĩnh vực mỹ thuật nhiếp ảnh, Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm chuyên ngành. Tổ chức cuộc thi Thiết kế Logo năm chéo Việt Nam – Nga 2019-2020; lễ phát động và chấm chọn cuộc thi thiết kế logo Năm ASEAN 2020; lễ phát động Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 tại Hà Nội.

Nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng xây dựng và ban hành Luật Bản quyền tác giả. Đồng thời, thực hiện Kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức xã hội, phát triển công chúng đối với các ngành công nghiệp văn hóa.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về gia đình được triển khai đúng yêu cầu, tiến độ. Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác phòng chống bạo lực gia đình; biên soạn, nghiệm thu tài liệu hướng dẫn và triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 12 tỉnh/thành. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ. Tổ chức Đoàn kiểm tra giám sát liên ngành về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương. Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì và nhân rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng góp phần xây dựng gia đình “tiến bộ, hạnh phúc, bền vững”.

Phát huy kết quả đạt được, 6 tháng cuối năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Chương trình giáo dục đời sống gia đình. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam gắn với thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”…

Theo KDPT