web analytics

30 người ở thủy điện Rào Trăng 3 mất liên lạc: Nỗ lực tối đa cứu hộ, cứu nạn 14/10/2020

(KDTT) – Hôm nay (14/10), các lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẽ tiếp tục sử dụng xuồng cao tốc di chuyển trong lòng hồ thuỷ điện Hương Điền, Thừa Thiên-Huế để tiếp tế lương thực, nước uống cho nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 4 và đưa người ra khỏi đây. Việc mở đường tiếp cận các mục tiêu sạt lở liên quan thủy điện Rào Trăng 3 vẫn tiếp tục.

Theo thông tin mới nhất, 2 trực thăng cùng 2 tổ bay của Sư đoàn 372 từ sân bay Phú Bài (Thừa Thiên – Huế) đang vào hiện trường vụ sạt lở ở Rào Trăng 3.

Công tác cứu hộ cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 vẫn đang được tập trung cao độ. Ban Chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương đặt ở trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), lãnh đạo Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo tổ chức triển khai các phương án để sớm tiếp cận hiện trường vụ lở đất ở khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và Tiểu khu 67 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Lực lượng chức năng đã huy động 7 xe đào múc, 2 xe ủi, 3 xe cứu thương, cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tích cực mở đường, tham gia cứu hộ.

Trong khi đó, tối qua (13/10), Giám đốc Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 Nguyễn Đại Thành cho biết, hiện tại phía Công ty đã ghi nhận 3 trường hợp công nhân của Nhà máy tử vong do sạt lở núi vào ngày 12/10. Tuy nhiên, danh tính các nạn nhân chưa thể xác định được do khó tiếp cận hiện trường và thi thể của ba nạn nhân chưa thể đưa ra ngoài.

Hoạt động của các đoàn cứu nạn, đường đi bị chia cắt do nước lũ, khó tiếp cận được khu vực bị sạt lở vùi lấp công nhân cũng như đoàn cứu hộ.

Trạm kiểm lâm tiểu khu 67 thời điểm chưa bị sạt lở. Nơi đây vào rạng sáng 13/10 xảy ra sạt lở đất làm 13 thành viên đoàn ứng cứu mất liên lạc. (Ảnh: FB)

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế xác nhận còn 30 người mất tích, chưa liên lạc được, trong đó có 17 công nhân tại tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và còn 13 người gồm các cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và lãnh đạo địa phương đi kiểm tra, xác minh sự việc.

Trong ngày 13/10, tổ trinh sát của Công an Thừa Thiên Huế cũng đã dùng cano di chuyển lên Thủy điện Rào Trăng 4 để tiếp thức ăn, thức uống cho những công nhân của cả 2 thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 đang kẹt lại tại đây; đồng thời đưa 5 người bị thương từ thủy điện về Bệnh viện Đa khoa Hương Điền cấp cứu.

Hướng ở Phong Xuân, các lực lượng vẫn đang sử dụng xe cơ giới để mở đường từ xã Phong Xuân theo đường 71 đến khu vực bị nạn. Tuy nhiên do mưa lớn, tuyến đường còn nhiều chỗ bị sạt lở cần được giải phóng nên chưa thể tiếp cận vị trí gặp nạn.

Hiện nay các lực lượng lượng chức năng đang mở nhiều hướng tiếp cận hiện trường.

Bộ Tư lệnh Quân khu đã điều động lực lượng Công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Lữ đoàn Công binh 414, Sư đoàn 968 tích cực, khẩn trương khắc phục những điểm sạt lở để tiếp cận vị trí các công nhân bị mất tích. Phối hợp với các lực lượng tiếp cận hiện trường bằng đường thủy, đường bộ để tìm kiếm cứu nạn, tiếp tế lương thực, bảo đảm y tế.

Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối hợp với Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Ban quản lý Thủy điện Rào Trăng, các lực lượng của tỉnh Thừa Thiên-Huế để tổ chức tìm kiếm cứu nạn và phối hợp với Sư đoàn Không quân 372 lên phương án dùng trực thăng cứu hộ, cứu nạn.

Chính quyền địa phương cũng đề nghị người dân không nên vì hiếu kỳ đi xem cứu hộ, vừa mất an toàn, vừa gây cản trở cho lực lượng cứu hộ. Người dân nên ở yên nơi an toàn, không đến những khu vực nguy hiểm cũng là cách để giúp chính quyền làm tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai và cứu hộ người bị nạn.

Trước đó, chiều 12/10, nhận tin về vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều lao động ở công trình thủy điện Rào Trăng 3, đoàn công tác của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4 lập tức lên đường tìm kiếm, cứu nạn.

Mưa lũ, sạt lở đất và nước suối chảy xiết khiến việc di chuyển gặp khó khăn. Đoàn công tác gồm 21 người sau đó quyết định đi bộ vượt suối, băng rừng tiếp cận hiện trường.

Trong đêm, khối lượng lớn đất, đá từ trên đồi sạt lở xuống lán tạm mà đoàn công tác dừng nghỉ. Đến trưa 13/10, Ban chỉ huy tiền phương liên lạc được với 8 chiến sĩ. Trong số 13 người đang mất liên lạc có thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4.

Thủy điện Rào Trăng 3 nằm ở thượng nguồn sông Bồ đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt năm 2008, được Bộ Công thương điều chỉnh Quy hoạch thủy điện nhỏ năm 2016. Theo đó, thủy điện này có công suất 13 MW, khi hoàn thành sản xuất lượng điện trung bình hằng năm 44,343 triệu kWh. Chủ đầu tư thủy điện này là Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3, đóng tại P. An Đông, TP. Huế; thi công bởi Công ty CP Thành Đạt (cùng P. An Đông).

Cùng với Thủy điện A Lin B1, B2 từ sông A Lin (huyện A Lưới), Thủy điện Rào Trăng 3, 4 tạo thành hệ thống như “Thủy điện bậc thang” công suất nhỏ trên hệ thống thượng nguồn sông Bồ. Giữa Thủy điện Rào Trăng 3 và 4 cách nhau khoảng hơn 10 km.

NGUYỄN NGÂN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT